Mười Điều Mà Các Giáo Sĩ Không Thổ Lộ Với Bạn

Share

Tôi sắp đặt mình vào tình huống hiểm nguy, vì vậy tôi phải đặt một vài tuyên bố trước. Lời tuyên bố thứ nhất… TÔI YÊU CÔNG TÁC TRUYỀN GIÁO!!! Bài viết này sẽ chỉ ra những mặt xấu mà bạn sẽ không thường nghe chúng tôi nói. Điều đó không có nghĩa là tôi không vui hay không thỏa lòng.

Tuyên bố thứ hai… Tôi đang nói về cảm xúc và sự nhận thức. Tôi biết điều Kinh thánh nói và có thể đưa ra sự phản biển cho từng điều ấy. Ví dụ, khi tôi chia sẻ về việc chúng tôi cảm nhận như thế nào về việc các của con chúng tôi cảm thấy chúng bị lừa dối, tôi biết có 100 điều tích cực mà mọi người có thể chỉ ra cho tôi. Tôi đang chia sẻ về tấm lòng của chúng tôi, cách chúng tôi cảm  thấy. Tôi không cần bất cứ ai gửi cho cho tôi một bài học Kinh thánh nào.

Một người bạn của tôi đã gửi cho tôi một bài viết về đề tài này. Nó khá tốt, và bài viết này khiến tôi phải suy nghĩ. Vì vậy, đây không phải là một bài sao chép, nhưng có một số điểm trùng lặp. Đây là điều mà các giáo sĩ của bạn sẽ không với bạn trong những bức thư thông báo của họ hay tại hội nghị truyền giáo của Hội thánh. Sau đây là một vài mặt tối của chức vụ.

1. Sống trong một nền văn hóa khác thì đôi lúc hoặc thậm chí luôn luôn là điều khó khăn.

Các giáo sĩ của bạn sẽ nói cho bạn niềm vui của các sứ mạng xuyên văn hóa và đi khắp thế giới. Điều mà họ không nói với bạn là hầu như việc truyền giáo xuyên văn hóa không vui chút nào. Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với điều này là trong một chuyến đi ngắn hạn đến Gha-na. Tôi được mời tham gia sứ mạng truyền giáo này. Một y tá đến từ Ca-na-đa trở về quê hương của mình sau khi phục vụ trên cánh đồng truyền giáo khoảng 40 năm. Cô ấy đến Gha-na năm 20 tuổi và giờ đang trở về quê hương mình. Trong suốt cuộc trò chuyện, tôi đã hỏi cô ấy rằng vì sao cô ấy nói mình trở về quê hương. Nếu cô sống cả cuộc đời từ khi lúc thiếu niên, khoảng 40 năm, ở Gha-na và chỉ về thăm Ca-na-đa bốn năm một lần… thì chẳng phải Gha-na là quê hương của cô sao? Cô ấy nói với tôi dù anh có hợp với nền văn hóa ấy như thế nào đi nữa, dù chức vụ của anh tốt như thế nào đi chăng nữa và dù người dân ở đó chấp nhận anh đến đâu đi nữa… thì anh cũng không thuộc về “họ”.

Tôi đã sống ở Bo-li-vi-a được tám năm. Tôi đã có tầm ảnh hưởng và chức vụ tuyệt vời ở đây. Tôi yêu những điều tôi làm. Nhưng tôi không sống ở quê hương mình. Tôi không phải là một người Bo-li-vi-a.  Tôi không có lịch sử văn hóa của họ hay các mối quan hệ gia đình của họ. Khi tôi đến nhà một ai đó để tổ chức tiệc sinh nhật hay đám cưới. Tôi là một người da trắng, khách lạ, người ngoại quốc. Khi họ bắt đầu cười về những kí ức gia đình hay kể những câu chuyện về họ hàng, thì tôi chỉ cười vào đúng lúc. Tôi không thuộc về nơi đó. Khi tôi đến chợ “La Cancha”, những đứa trẻ nhìn tôi chằm chằm. Tôi có một người bạn ở Mỹ đến thăm chúng tôi, người bạn ấy nói với tôi rằng khi chúng ta ở đó: “ Thật lạ lẫm, chúng ta chỉ là những người da trắng trong mắt của họ mà thôi.”

Là một người lạ khiến chúng ta già hơn. Thật khó khi không sống tại cộng đồng của mình. Thật không vui tí nào khi luôn bị chú ý.

2. Thật cô đơn khi bạn bè và gia đình ở quê nhà không còn nhớ đến bạn nữa.

Bạn sẽ không thể thấy điều này ở trong một thư báo. Chúng tôi sẽ kể các câu chuyện tràn đầy những điều vui và những khoảnh khắc tuyệt vời. Chúng tôi sẽ lạc quan, hạnh phúc và đăng những tấm ảnh về bữa tiệc giáng sinh gia đình.

Bạn sẽ không thấy chúng tôi đăng những video chúng tôi khóc hay nghe chúng tôi phàn nàn về việc nhớ nhung các bạn hữu của chúng tôi, nhưng chúng tôi đã làm thế; và điều đáng buồn đó là họ không nhớ chúng tôi. Khi tôi lên kế hoạch cho cánh đồng truyền giáo, chúng tôi đã phỏng vấn 10 gia đình giáo sĩ khác nhau. Chúng tôi nói chuyện với họ, những người độc thân, đã kết hôn, đã có con và những giáo sĩ lớn tuổi. Tôi hỏi họ một câu hỏi: “Phần khó nhất khi trở thành một giáo sĩ của bạn là gì?” 10 người trong số họ được hỏi cách riêng tư, đều trả lời là: “Sự cô đơn.” Sau năm đầu tiên, người thân của bạn sẽ hoàn toàn quên bạn. Ngay cả người bạn thân nhất bây giờ cũng sẽ không tiếp tục liên lạc với bạn.

Chúng tôi quyết định chống lại điều này bằng cách dùng Facebook và mạng truyền thông xã hội, cùng với sự liên lạc và các bài blog hàng tháng, chúng tôi biết rằng chúng tôi sẽ giữ liên lạc với bạn bè. Điều ngạc nhiên là họ nhanh chóng không muốn giữ liên lạc với chúng tôi. Vâng, tôi hiểu rằng cuộc sống của họ bận rộn và chúng tôi đã chuyển đi. Sự thật là khi hiểu được lý do một điều đã xảy ra không có nghĩa là chúng ta không bị tổn thương. Điều này đi kèm với điều thứ nhất…không thuộc về một nền văn hóa. Chúng tôi không cảm thấy mình đang có một mái ấm, nhưng chúng tôi cảm thấy như những người ở quê nhà đã lãng quên chúng tôi.

3. Chúng tôi là người bình thường

Người ta nghĩ rằng các giáo sĩ là những siêu Cơ đốc nhân. Chúng tôi chỉ thiếu một bước tiến  nữa là trở thành các mục sư, và nếu bạn là một mục sư truyền giáo thì ngay cả Sứ đồ Phao-lô cũng ghen tị với thuộc linh của bạn. Bạn sẽ không được được điều này trong các thư báo, “Tuần này hầu như tôi không dành thời gian cho Lời Chúa, tôi nổi điên với vợ của mình, la ó các con, và các thấy ghen tức khi xem hình trên facebook.” Chúng tôi không tường thuật những điều này nhưng đó là sự thật. Mặc dù chúng tôi là những người yếu đuối, bình thường và là những chiếc bình dễ vỡi nhưng chúng tôi đang tìm cách để tôn vinh Đấng Christ. Chúng tôi phạm tội rồi ăn năn, rồi lại phạm tội và ăn năn và cứ như thế. Chúng tôi giống như quý bạn thôi.

4. Chúng tôi không có đủ tiền nhưng lại cảm thấy tội lỗi khi phải đề cập đến chuyện tiền nong.

Các giáo sĩ hỏi xin tiền ư. Chúng tôi phải làm thế. Chúng tôi dùng các thuật ngữ như “đây là cơ hội để giúp đỡ” hay “hãy là một phần của ơn phước” hay “Tìm kiếm đối tác hàng tháng.” để đề cập đến việc xin giúp đỡ tài chánh.

Điều chúng tôi muốn nói là: “Chúng tôi đang chết mòn ở đây! Làm ơn giúp chúng tôi! Chúng tôi đang cần tiền!!”

Chúng tôi không thể làm điều đó. Chúng tôi phải vượt trên tiền bạc. Chúng tôi cần làm cho tiền là một thứ gì đó chúng tôi có thể sử dụng, nhưng không phải là vấn đề lớn. Chúng tôi đang bước đi bởi đức tin và tin cậy sự cung cấp của Chúa…, đó chính là điều chúng tôi muốn thể hiện. Các bạn thấy đấy, chúng tôi không muốn các bạn nghĩ rằng tất cả mọi thứ mà chúng tôi muốn ở các bạn là tiền bạc. Không phải như vậy, nhưng với tất cả sự thành thật, chúng tôi đang cần tiền. Chúng tôi cần tiền cho gia đình và chức vụ của chúng tôi. Chúng tôi chỉ ghét phải xin tiền và các bạn ghét nghe đến điều này. Vậy nên, chúng tôi giữ yên lặng hoặc nói đến các nhu cầu của chúng tôi bằng các thuật ngữ thuộc linh.

Một phần khác của điều này là chúng tôi thật sự tranh chiến với sự phán xét về tiền bạc. Nó chỉ mới xảy ra trong tuần này. Chúng tôi đã đăng nhu cầu cho công tác chức vụ của mình. Chúng tôi muốn mua một vài thiết bị nha khoa bổ sung dành cho công tác truyền giáo nha khoa. Chúng tôi cần $700. Cùng thời điểm đó, một người bạn của chúng tôi ở Mỹ, anh ấy thỉnh thoảng hát ở các quán cà phê cũng đăng lên rằng anh ấy cần gây quỹ $4000 để làm đĩa CD. Chúng tôi nhận được $210, còn anh ấy nhận được $4300. Thật ư? Tôi không nói về việc anh ấy không nên làm điều đó hay anh ấy gây quỹ cho công việc đó là sai? Nhưng anh ấy nhận được $4300 để thử nghiệm một chiếc đĩa CD và chúng tôi không thể gây quỹ $700 để giúp người nghèo nghe về Chúa Giê-xu thông qua việc truyền giáo bằng nha khoa. Thật vậy sao?

5. Chúng tôi cảm nhận những đứa con của chúng tôi đang bị thiếu thốn bởi sự lựa chọn của chúng tôi.

Bạn sẽ thấy những bức tranh rất ngầu trong những bản tin của chúng tôi, những đứa con của chúng tôi đang giúp đỡ trong việc truyền giảng Phúc Âm, vào trong rừng xanh, tắm cho trẻ mồ côi hay được bao quanh bởi những chú khỉ. Tất cả những điều đó thật là ngầu. Nhưng sự thật là, chúng tôi cảm thấy các con chúng tôi đang phải chịu khổ vì chúng tôi. Điều này được kết hợp bởi Facebook. Chỉ trong tuần này tôi đã thấy những tấm ảnh của những đứa trẻ đang chơi bóng đá, tham gia lớp học âm nhạc, khiêu vũ, tranh luận, cắm trại, xem hòa nhạc, xem phim, chơi trò “lock-ins” và tham gia các lớp chuyên tại những trường Cao đẳng Cộng đồng trong khi đang học trường trung học. Các con của chúng tôi không được như thế. Tôi biết rằng tôi có thể đăng hình những đứa con của chúng tôi làm những điều rất ngầu. Nhưng tôi chỉ đơn giản không thể cạnh tranh lại với những lựa chọn mà các bạn có. Tôi cảm thấy bản thân phải tranh chiến với sự ganh đua và đố kỵ đó.

6. Tôi đã có một kì nghĩ tuyệt vời nhưng lại không thể nói với ai cả.

Một trong những điều hay về truyền thông xã hội là cách chúng ta có thể chia sẻ cuộc sống của chính mình với người khác. Các mục sư có thể đi du lịch trên du thuyền. Những người bạn của tôi có thể đi đến những hòn đảo tuyệt đẹp. Gia đình của họ có thể du lịch châu Âu. Tất cả mọi người có thể khoe về khoảng thời gian của họ và đăng những tấm hình trên Facebook và phương tiện truyền thông để chia sẻ niềm vui của họ. Chúng tôi có thể tiết kiệm tiền. Sống tùy vào ngân sách. Chi ít hơn số tiền mình kiếm được. Sau năm năm tiết kiệm thì mới có một kì nghỉ cực kì cần thiết. Chúng tôi nghe gì? “Tôi cũng nên làm giáo sĩ, để có thể có được những kì nghỉ tuyệt vời như vậy.” Hay “Đó có phải là nơi mà tiền dâng của tôi đi đến chăng?”

Một ví dụ thực tế. Ba tôi qua đời và sau đó được chôn cất và thanh lý bất động sản, tôi thấy mình thu được $19,000 thu nhập ngoài dự kiến. Chúng tôi đã cầu nguyện cho món tiền đó, và quyết định nói cho những đứa con biết rằng ông nội muốn chúc phước cho chúng. Vậy nên, với TIỀN THỪA KẾ CỦA TÔI, chúng tôi đã có một kì nghỉ ở nước Mỹ, chúng tôi đã thuê một ngôi nhà ở bên ngoài “Disneyworld” và sau đó mang cả gia đình đi nghỉ ở đó bằng tàu thủy. Chúng tôi nhận  được một vài lời bình luận ác ý và một ân nhân không dâng hiến cho chức vụ của chúng tôi nữa.

Vợ tôi và tôi đã tổ chức kỉ niệm 30 năm ngày cưới trong năm nay. Chúng tôi đã làm những điều thật vui để kỉ niệm. Đây là những gì chúng tôi đã làm: chúng tôi nói với các con chúng tôi rằng: “Điều này là bí mật. Đừng kể bất cứ điều gì với các bạn của con và cũng đừng đăng lên Facebook. Bố mẹ không muốn ai phán xét chúng ta.”

Thật keo kiệt làm sao? Bạn có thể chia sẻ niềm vui của bạn, chúng tôi cảm thấy chúng tôi phải giấu điều đó hay người khác sẽ nghĩ và nói chúng tôi đang lạm dụng các nhà tài trợ. Chúng tôi cũng thích đăng những tấm ảnh về niềm vui của chúng tôi và bạn chỉ cần nói điều gì đó tốt đẹp… nhưng chúng tôi thì không thể.

7. Chúng tôi ghét bị phán xét bởi những tiêu chuẩn mà những người phán xét chúng tôi lại không làm theo những tiêu chuẩn đó.

Tất cả các giáo sĩ mà đọc thấy điều này sẽ hét lên “Amen!” Khi chúng tôi gặp các Uỷ ban truyền giáo, các Hội thánh, những nhóm người được cử ra đi và các nhà tài trợ, họ thường xuyên hỏi chúng tôi những câu hỏi cụ thể. Tôi KHÔNG có vấn đề gì với điều đó. Điều khiến tôi phải đau đầu là khi một ai đó KHÔNG làm những gì TÔI ĐANG LÀM lại phán xét tôi bởi vì họ không nghĩ rằng tôi làm đủ những điều họ không làm.

Ví dụ tốt nhất của điều này là khi có cuộc họp với Uỷ ban truyền giáo và họ hỏi chúng tôi về công tác truyền giáo của chúng tôi. Tôi chia sẻ cách làm: chỉ trong năm này chúng tôi đã chia sẻ Phúc âm cho hơn 2,000 người (chuyện thật) bên ngoài Hội thánh và đã làm báp-têm cho 35 người trưởng thành. Ủy ban nói một chút ít và sau đó nói những điều như: “Chúng tôi quan tâm đến việc chăm sóc những người mới tin và tại sao lại làm báp-têm cho ít người như vậy. Chúng tôi cũng muốn nghe nhiều hơn về các nỗ lực truyền giáo của ông. Ông đã làm gì và cách ông làm điều đó?” Sau khi chia sẻ những gì bạn làm và cách bạn thực hiện chúng thì họ sẽ có một vài ý kiến phê bình và sửa sai về phương pháp. Vấn đề chính là Hội thánh mà Ủy ban truyền giáo này trực thuộc không làm báp-têm cho 35 người trưởng thành trong 10 năm qua và không có một sự kiện truyền giáo nào trên lịch của Hội thánh. Đôi khi tôi muốn nói, “Chúng tôi đã làm báp-têm cho 35 người trưởng thành và chia sẻ về Đấng Christ cho hơn 2,000 người… còn quý vị đã làm được gì?” hay “Đó là một ý tưởng truyền giáo tuyệt vời, hãy giúp tôi hoàn thiện nó. Qúy vị đã thực hiện điều này như thế nào trong hội thánh của quý vị?” hoặc “Qúy vị làm gì để chăm sóc những người mới tin Chúa sau những cuộc truyền giảng trong cộng đồng của quý vị?” Tôi không thể, nhưng tôi thật sự muốn làm thế.  Thật khó để lắng nghe những người chỉ biết nói suông, những người chẳng bao giờ phù hợp với việc phê bình công tác mà tôi đang làm.

Một ví dụ khác của việc này là cách mà một số người không hề làm điều gì để giúp đỡ cho người nghèo lại phán xét chúng tôi về cách chúng tôi giúp đỡ người nghèo. Họ bảo chúng tôi điều chúng tôi phải làm, điều chúng tôi nên làm, cách thức, thời gian và người mà chúng tôi nên giúp đỡ. Họ kể với chúng tôi về cuốn sách họ mới đọc hay bài giảng mới nhất mà họ nghe được. Chính họ thì chẳng làm gì cả, nhưng họ lại biết chính xác điều chúng tôi nên làm và nếu chúng tôi không làm theo cách của họ thì nguy cơ bị cắt giảm tài trợ đang lơ lửng trên đầu chúng tôi.

Nếu một ai đó đang làm công tác chức vụ thì việc họ đưa ra những lời khuyên, góp ý, những lời sửa sai thì nó vô cùng dễ dàng chấp nhận. Nhưng khi một ai đó chẳng làm gì bảo chúng tôi điều chúng tôi phải làm, điều này khiến chúng tôi phải tra xét tấm lòng và cầm giữ môi miệng mình.

8. Nói lời tạm biệt thật là một cảm giác khó chịu… và nó không giống như ở Mỹ.

Điều này diễn ra với các giáo sĩ trong độ tuổi của chúng tôi. Cuộc sống của chúng tôi trở thành một phần của việc liên tục tạm biệt. Chúng tôi đang nói lời tạm biết với những người đồng lao trở về nước Mỹ. Chúng tôi phải nói tạm biệt với những đứa con của mình. Denise và tôi hiện có bốn đứa con đang sống ở Mỹ trong khi chúng tôi đang sống ở Bo-li-vi-a. Khi chúng tôi đến thăm ông bà nội, chúng tôi phải nói lời tạm biệt một lần nữa để trở lại cánh đồng truyền giáo. Điều này thật khó.

Tôi được mời giảng tại một hội nghị truyền giáo ở Mỹ. Hội thánh mà tôi giảng cách nơi đứa con trai 24 tuổi của tôi đang sống một giờ lái xe, nên nó lái xe xuống để gặp tôi. Sau khi giảng, tôi đến bàn truyền giáo của tôi ở sảnh để nói chuyện với mọi người, chuyển những tấm thẻ cầu nguyện, bắt tay,… Con trai tôi và bạn gái của nó đến để nói lời chào và sau đó một vài phút nó ôm tôi và nói: “ Con yêu bố, hẹn gặp bố… sau… hai hoặc ba năm?”

Tôi bắt đầu khóc và mọi người bước đi khỏi bàn của tôi một cách nhã nhặn, tôi đã nhận ra rằng tôi đã không gặp lại nó ít nhất là hai năm nữa. Tuần này, ba ngày trước, vợ tôi đưa đứa con 19 tuổi vào nhập học tại trường Đại Học ở Mỹ. Cô ấy gọi tôi từ phòng khách sạn, cô vừa khóc vừa nói: “Thật không dễ dàng chút nào. Em ghét điều này! Em ghét điều này!”

Nào, đây là điểm thứ hai mà tôi muốn nói đến. Những người bạn của bạn sẽ nói, với tất cả ý tốt, “Tôi hiểu, con trai tôi cũng rời nhà đi học đại học trong tuần này.” Nó không giống nhau! Con trai/con gái của bạn có thể về nhà trong những kì nghỉ ở trường. Chúng có thể mua thẳng tay mua một tấm vé $100 và nghỉ ba ngày cuối tuần. Đó là những chuyến bay nhanh hay chuyến xe tốc hành nhưng chúng tôi sống ở lục địa xa xăm khác.

Khi chúng tôi nói tạm biệt, nó không phải là: “Gặp lại anh vào giờ nghỉ”. Nhưng là “Gặp lại một ít ngày nữa sau ba năm”. Gia-cốp, con trai tôi, đã dời đến Mỹ và sống tự lập. Nó chưa sống ở đó lâu và nó gọi điện cho chúng tôi. Và sau khi nói chuyện, tôi bảo nó cần phải đến bệnh viện bởi vì tôi nghĩ nó đã bị viêm ruột thừa. Tại bệnh viện, nó cho chúng tôi biết đó chính là bệnh ấy, và các bác sĩ sắp làm cuộc phẫu thuật khẩn cấp.

Vợ tôi mất ba ngày để đến được đó. Cô ấy không thể bắt một chuyến bay nhanh và ở đó trước khi con tôi xuất viện. Bố tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Tôi biết rằng khi cuộc điện thoại thông báo cho những đứa con của ông ấy đến nói lời tạm biệt với ông thì tôi không thể ở đó. Tôi biết rằng tôi sẽ bỏ lỡ di ngôn cuối cùng của ông ấy, không thể giúp đỡ gia đình tôi và có thể không thể tham gia đám tang. Điều đó không khống như khi đang sống ở Mỹ. Thật không giống như khi sống ở Mỹ.

Tôi muốn nói rằng trong tất cả những điều tiêu cực khi sống tại cánh đồng truyền giáo, thì điều tệ hơn hết là phải nói lời tạm biệt.

9. Về đến Mỹ thật khó khăn

Bạn nghĩ đến việc trở về nhà khi nghỉ phép thật là tuyệt vời. Tất cả giáo sĩ đều trông mong điều đó. Nó là thời điểm trọng tâm của năm khi điều đó diễn ra.

Điều nó đúng một phần. Tuy nhiên có hai điều mà các giáo sĩ sẽ không nói cho bạn. Điều thứ nhất chắc có lẽ bạn đã biết. Xét về tính Lo-gic nó rất khó khăn. Hầu hết các giáo sĩ không có nhà để sống, xe hơi để đi hay một chiếc dĩa để ăn. Tất cả những thứ đó chúng ta đều cần trong cuộc sống hằng hàng từ những chiếc vỏ bọc gối đến các chiếc ghế xe hơi, nhưng chúng tôi không có chúng. Chúng tôi phải tìm những giải pháp ngắn hạn và chúng tôi GHÉT vay mượn. Chúng tôi cũng không muốn sống trong tầng hầm nhà bạn. Chúng tôi muốn một gia đình với sự riêng tư và thời gian dành cho gia đình.

Chúng tôi cũng muốn đến thăm và dành thời gian với những nhà tài trợ và các hội thánh của chúng tôi, nhưng biến nó thành hiện thực rất khó khi những nhà tài trợ sống ở 12 bang khác nhau. Nó không phải là một chi phí khả thi để chi $1,200 để đến thăm một Hội thánh ở Arkansas mà họ chỉ cho bạn $25/tháng. Nhưng bạn muốn và nghĩ rằng bạn nên làm vậy. Tính lô-gic khiến dự án trở về nhà thật khó khăn.

Điều thứ hai có lẽ bạn không biết đó là “nó thật khó về phương diện xúc cảm”. Tại sao?

Bởi vì chúng tôi khám phá ra rằng chúng tôi đã thay đổi và bạn không còn muốn ở quanh chúng tôi. Tôi đã viết điều này một lần nọ. Để tôi tổng kết lại bài đăng đó ở đây. Một người đàn ông từ vùng đất Xanh Da Trời trở thành giáo sĩ với người ở vùng đất màu Vàng. Ông ấy đã tranh chiến bởi vì ông ấy là một người người đàn ông Xanh Da Trời sống giữa vòng những người màu Vàng. Tuy nhiên, sau một thời gian ông ấy bắt đầu hiểu về văn hóa của họ và trở thành một phần của họ. Vào một ngày ông ấy nhìn vào gương và thấy ông ấy thấy mình không còn  màu Xanh Da Trời nữa, bây giờ ông ấy là Xanh Lá Cây. Điều này khiến cho việc ông ấy sống trong vùng đất màu Vàng dễ dàng hơn. Sau đó nhiều năm, ông ấy trở lại vùng đất Xanh Da Trời. Thật buồn, không một ai ở quê nhà ông ấy muốn ở với ông ấy bởi vì ông ấy là một người Xanh Lá Cây trong vùng đất Xanh Da Trời.

Sau khi ở trên cánh đồng truyền giáo bạn trở thành một người khác. Mọi người nhận thức bạn khác. Ngay cả những người bạn thân của bạn cũng không còn là bạn nữa. Họ đã trưởng thành mà không có bạn. Họ có những trải nghiệm mà không có bạn trong đó. Bạn không còn là “một trong số bọn họ”. Khi bạn trở lại, mọi người muốn bắt tay bạn và nói họ nhớ bạn, nhưng họ không muốn ở với bạn. Họ cũng lo lắng rằng bạn sẽ hỏi xin tiền họ. Chúng tôi đã mời một người bạn của chúng tôi trước khi chúng tôi đến cánh đồng truyền giáo đi ăn tối. Phản ứng của họ là: “Chúng tôi không có tiền để dâng cho anh đâu.” Họ THỰC SỰ đã nói thế!

Sau khi trở về Hội thánh địa phương, nơi tôi đã từng làm mục sư và bây giờ cảm thấy bị tẩy chay, tôi đã chia sẽ những cảm xúc với một chấp sự trong Hội thánh. Anh ấy nói với tôi rằng anh ấy biết lý do mọi người tránh né chúng tôi. Tôi đã hỏi anh ấy nguyên nhân đó là gì. Anh ấy nói “Anh dọa mọi người. Không phải bởi những gì anh nói hay những gì anh làm, mà vì anh là ai. Chúng tôi nhìn anh, lựa chọn của anh và chúng tôi cảm thấy mắc tội vì tinh thần theo đuổi vật chất. Cho nên né tránh anh dễ dàng hơn với việc ăn năn về sự đam mê tiền bạc của chúng tôi.”

Tôi không biết đó có phải là lí do hay không, nhưng các giáo sĩ cảm thấy không được chào đón. Chúng tôi có thể nghĩ rằng các bạn đánh giá cao chúng tôi và chúng tôi biết ơn sự hỗ trợ tài chính của các bạn, nhưng chúng tôi cảm thấy các bạn không muốn làm bạn với chúng tôi.

10. Tôi liên tục cảm thấy tôi phải chứng minh bản thân với các bạn

Các bạn, dù là trong tư cách là một cá nhân hay Hội thánh, đã dâng hiến tài chánh cho chúng tôi. Các bạn ủng hộ chức vụ của chúng tôi. Dù thích nó hay không, bây giờ tôi phải biện hộ với các bạn rằng việc đầu tư tài chánh cho chúng tôi là tốt. Tôi phải chứng minh bản thân và chức vụ của nhiều lần. Bản tin của tôi không chỉ để bạn biết những điều chúng tôi đang làm… chúng còn nhiều hơn thế. Chúng là những hạng mục tôi đang đưa vào thành bằng chứng để chứng minh các bạn đang đầu tư tốt. Và… nếu một thời gian trôi qua chúng tôi không có bất cứ điều gì LỚN LAO để báo cáo… chúng tôi cảm thấy thất bại và sống trong nỗi sợ hãi rằng các bạn dâng hiến số tài chánh cho một ai đó xứng đáng hơn.

Đôi khi chúng tôi không cảm thấy chúng tôi cùng trong một đội với các bạn. Chúng tôi cảm thấy các bạn là sếp của chúng tôi và đã đến lúc đánh giá kết quả hàng năm… và năm nay một ai đó phải bị sa thải. Chúng tôi bị cám dỗ bởi việc thêm vào bản báo cáo của chúng tôi và khiến nó trông tốt hơn sự thật. Thay vì nói rằng chúng tôi đến Hội thánh thì chúng tôi nói: “Chúng tôi đang tích cực tham gia vào một hội chúng địa phương.” Chúng tôi không nói rằng chúng tôi mua trái cây hàng tuần từ một cửa hang quen thuộc, mà lại nói: “Chúng tôi đang xây dựng các mối quan hệ tại chốn thương trường.” Chúng tôi có thể dẫn dắt một buổi học Kinh thánh nhưng chúng tôi gọi nó là “buổi cố vấn cho những đôi vợ chồng trẻ.” Hãy nhìn vào những gì tôi vừa nói với bạn. Tôi mua trái cây mỗi tuần, đi đến Hội thánh và hướng dẫn một buổi học Kinh thánh. Những điều đó không đáng được hổ trợ sao? Ý tôi là các bạn sẽ vẫn hổ trợ chứ. Nhưng nếu tôi nói tôi đang chủ tâm xây dựng các mối quan hệ trong khi hướng dẫn những đôi vợ chồng trẻ khi tôi tham gia tích cực vào một hội chúng địa phương… thì có lẽ các bạn sẽ nghĩ tốt hơn về tôi.

Vì vậy, chúng tôi nói những điều khiến chúng tôi được cảm thấy tốt hơn, thánh khiết hơn và bận rộn hơn điều chúng tôi làm. Chúng tôi không thể nói chúng tôi đang sống trong một nền văn hóa và đang làm những gì chúng tôi có thể làm để nói về Đấng Christ, nhưng nó khó khăn và chúng tôi thật sự không có nhiều kết quả để báo cáo với quý bạn trong năm nay. Điều đó bới vì điểm số 4 và số 7 ở trên. Chúng tôi cần tiền và các bạn đang phán xét giá trị của chúng tôi… và sự đánh giá của các bạn sẽ quyết định tiền của chúng tôi. Điều này có thể không đúng, nhưng đó là điều chúng tôi cảm thấy. Chúng tôi cảm thấy chúng tôi phải liên tục cho các bạn thấy rằng tài trợ cho chức vụ của chúng tôi là một ý tưởng tuyệt vời và các bạn nên tiếp tục làm điều đó. Nó sản sinh ra rất nhiều áp lực và stress về mặt tinh thần.

Vậy nên, các bạn đã nghe được những điều thầm kín ấy. Mười điều mà các giáo sĩ sẽ không nói với bạn. Những điều ấy có thể không dễ nghe, nhưng có lẽ lắng nghe chúng giúp các bạn liên hệ tốt hơn đến công tác truyền giáo của các bạn. Những lời bình luận luôn được ghi nhận, đặc biệt từ các giáo sĩ.

 

Dịch:  David Tô (BBT)

(Nguồn: churchleaders.com)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan