Nếu bắt đầu lại gia đình, tôi sẽ cố gắng tạo nên sự gần gũi nhau hơn. Một gia đình sống chung, ăn uống và ngủ chung mà lại bảo phải tìm cách gần gũi nhau, thì nghe cũng hơi lạ. Thế nhưng có nhiều người cùng sống dưới một mái nhà lại rất cách xa nhau. Và nếu có một câu nói nào tôi được nghe nhiều nhất qua những hội đồng và hội nghị về gia đình suốt nhiều năm qua thì đó là câu “Nếu được làm lại từ đầu, tôi sẽ dành nhiều thì giờ hơn cho con cái”. Những thì giờ bên nhau, chứ không phải những công việc làm riêng rẽ, mới là những điều chúng ta ghi nhớ nhất.
Một tuần lễ của mỗi người cha có một trăm sáu mươi tám giờ. Có lẽ ông bỏ ra bốn mươi tám tiếng để làm việc, mười lăm tiếng để lái xe đi làm, ăn trưa và làm thêm mỗi tuần. Bỏ thêm năm mươi sáu tiếng để ngủ mỗi tuần. Như vậy là còn năm mươi bảy tiếng mỗi tuần để sử dụng đâu đó. Thực sự có bao nhiêu người cha dành thời gian đó cho gia đình?
Một nhóm ba trăm bé trai học lớp bảy và tám ghi chi tiết thì giờ cha chúng thực sự dành cho chúng trong thời gian hai tuần lễ. Phần lớn đều chỉ gặp cha tại bàn ăn tối. Một số không gặp cha suốt nhiều ngày liền. Thời gian trung bình cha con được gặp riêng trong suốt một tuần lễ chỉ có bảy phút rưỡi.
Một ông kể lại kinh nghiệm thú vị thời niên thiếu: “Khi tôi vào khoảng mười ba và em trai tôi mười tuổi, bố hứa dẫn chúng tôi đi xem xiếc. Nhưng vào giờ ăn trưa có một cú điện thoại. Một công việc khẩn cấp yêu cầu ông xuống phố. Anh em tôi ôm nhau thất vọng. Sau đó chúng tôi nghe bố nói: “Không, tôi không đi đâu. Phải chờ thôi”.
Khi bố quay lại bàn ăn, mẹ cười nói: “Đám xiếc vẫn thường tới hoài mà anh”.
Bố đáp: “Đúng vậy, anh biết, nhưng mà tuổi thơ thì không trở lại!”
Một thương gia nổi tiếng hỏi bạn: “Anh có muốn biết tôi sẽ cho con trai quà gì vào dịp Giáng Sinh không?” Ông rút ra một mảnh giấy có viết sẵn “Tặng con trai. Bố dành cho con một giờ mỗi ngày trong tuần và hai giờ mỗi Chúa nhật để con sử dụng theo ý muốn”.
Ngày nay, tôi còn nhớ những lúc ở bên cha khi còn bé. Những việc tôi làm một mình thì tôi đã quên hầu hết. Nhưng những ngày chúng tôi cùng đi vào công viên, những lần chúng tôi ăn picnic, đi viếng bảo tàng viện đều trở thành những ký ức thật thân thương.
Một tối nọ, lúc sắp sửa ngủ, tôi nghe tiếng bước chân trong phòng đợi. Bé Davit lên ba dò dẫm bước vào cửa, đứng cạnh giường chúng tôi. Tôi hỏi: “Con cần gì hả David?”
Bé đáp: “Chẳng có gì đâu. Con muốn lẻn vào đây với bố nói chuyện một chút.”
Tôi tung mền ra cho nó chui vào. Bé nằm xích lại gần, im lặng trong giây lát rồi nói: “Bố à, cầm tay bố đứng trước chuồng sư tử vui quá hả bố”.
Tôi đáp: “Đương nhiên. Thế con có sợ không?”
Bé nói: “Sợ chút xíu thôi”.
Sau một hồi yên lặng nữa, David nói: “Bữa nay mình chơi vui ghê, phải không bố?”
Tôi đáp: “Thiệt là vui”.
Thế là xong. David tung mền ra rồi chạy lẹ về phòng riêng. Leo lên giường là nó ngủ say ngay. Còn tôi thì vẫn thao thức. Bạn thấy không, đứa con trai bé bỏng đã nhắc tôi về tầm quan trọng của việc dành thì giờ cho gia đình ở bên nhau.
Gia đình tôi từ lâu vẫn mong đợi ngày đi sở thú. Giống như kế hoạch của nhiều gia đình khác, kế hoạch của gia đình chúng tôi phải đổi nhiều lần. Ngày đi chơi qua thật nhanh. Tất cả chúng tôi đều mệt mỏi và mong về nhà. Vì thế, sau một bữa ăn qua loa, chẳng ai than phiền về việc đi ngủ sớm. David cất giọng nhắc lại ngày vui đã qua: “Bữa nay nhà mình đi chơi vui ghê phải không bố?”. Nghe thế mẹ David thì thầm với tôi: “Hôm nay đi chơi với anh và các con, em thấy vui ghê”.
Bây giờ tôi biết là không có gì có thể thay thế những giây phút bên nhau như vậy được. Cảm giác an toàn, yêu thương, hiểu biết và thông cảm tùy thuộc vào cảm giác gần gũi với nhau. Khi thiếu vắng sự chia sẻ và gần gũi nhau thì tự nhiên con người cảm thấy cô đơn, xa lạ và thiếu yêu thương.
Một cuộc nghiên cứu đáng chú ý về những người Châu Âu lúc còn bé trong thế chiến II cho thấy những trẻ con duy nhất có khả năng phục hồi lại tình trạng bình thường sau những kinh nghiệm chiến tranh khủng khiếp, chính là những trẻ xuất thân từ gia đình mà chúng còn nhớ những thời gian gia đình gần gũi bên nhau.
Vậy thì sự gần gũi là gì? Đó là dành thì giờ cho nhau. Đó là tán gẫu thân mật trong bữa ăn. Đó là đi dạo chạy nhảy trong rừng hoặc công viên. Đó là gia tăng giúp đỡ nhau. Gần gũi là cùng bắt tay nhau phụ giúp làm một công việc. Đó là cùng vui đùa trong một môn chơi. Gần gũi là nói chuyện hoặc cầu nguyện về một vấn đề chung. Đó là bất cứ lời nói cùng hành động nào có thể tạo cảm giác là chúng ta đang sống chung với nhau. Gần gũi là sau một ngày, mọi người có thể nói: “Hôm nay, mình chơi vui há, phải không?”. Nếu bắt đầu lại gia đình, tôi sẽ tìm cách cho gia đình gần gũi nhau hơn.
(Nguồn: John M. Drescher, Nếu Bắt Đầu Lại Gia Đình.)
Dịch: Hội Thánh Cộng Đồng Việt Nam