Chương 6
Căn Nguyên Chủ nghĩa Chống Do Thái
Đức Chúa Trời ôi! xin chớ làm thinh.
Đức Chúa Trời ôi! xin chớ nín lặng, chớ đứng yên.
Vì, kìa, các kẻ thù nghịch Chúa náo loạn,
Và những kẻ ghét Chúa ngước đầu lên.
Chúng nó toan mưu độc hại dân sự Chúa,
Bàn nghị nhau nghịch những kẻ Chúa che giấu.
Chúng nó nói rằng: Hãy đến tuyệt diệt chúng nó đến nỗi không còn làm nước,
Hầu cho danh Y-sơ-ra-ên không còn được kỷ niệm nữa.
Vì chúng nó một lòng bàn nghị nhau, Lập giao ước nghịch cùng Chúa.Thi-thiên 83: 1-5
Ghét người Do Thái chính là ghét Đức Chúa Trời của người Do Thái. Điều này được thấy rõ trong tiếng kêu van thấu trời của một tác giả thi thiên, từ trong nỗi đau khổ tận cùng của người Do Thái: “Đức Chúa Trời ôi, há Ngài không nhìn thấy hết thảy sao? Ngài thấy, nhưng Đức Chúa Trời ôi, xin đừng nín lặng, xin hãy chỗi dậy, và đừng làm ngơ. Chúng chẳng phải là kẻ thù của chúng con thôi đâu, chúng cũng là kẻ thù nghịch chống lại Chúa. Chúng nó ghét Chúa. Chúng dàn trận tấn công dân sự của Chúa, vì chúng con là Y-sơ-ra-ên, là dân sự Chúa. Chúng muốn hãm đánh đứa con yêu dấu của Chúa, điều đó không liên hệ đến Chúa sao? Chúng muốn làm cho Chúa phải đau lòng. Chúng sẽ làm thành điều chúng toan định bằng cách nào? Ấy là tiêu diệt dân Do Thái của Chúa, để danh Y-sơ-ra-ên sẽ bị diệt trừ, mãi mãi không còn ai biết đến.”
Những kẻ thù lớn nhất đột nhiên trở thành bạn khi chúng cùng với nhau chống lại Y-sơ-ra-ên, giống như Hê-rốt và Phi-lát trở thành bạn hữu trong ngày họ xét xử Chúa Giê-xu. Trước kia, Phi-lát với Hê-rốt thù hiềm nhau, nhưng nội ngày đó trở nên bạn hữu. (Lu-ca 23:12). Tác giả Thi thiên đã liệt kê ra những kẻ thù của Y-sơ-ra-ên như là “… Ê-đôm và người Ích-ma-ên, Mô-áp và dòng dõi Ha-ga-rít, Ghê-banh, Am-môn và A-ma-léc, người Phi-li-tin, với dân Ty-rơ, A-si-ri cũng hiệp với chúng nó” (Thi Thiên 83:6-8). Không có gì mới dưới ánh mặt trời. Ngay khi Y-sơ-ra-ên tái xuất hiện trên trường thế giới ở Trung Đông, những kẻ thù xung quanh lại hiệp nhau chống lại nó. Những kẻ thù lớn như Syria, Iraq và Iran (một phần của đế chế A-si-ri trước kia), những kẻ thù nhỏ hơn như là người Palestine (những người xem mình là con cháu của dân Phi-li-tin, và phát âm tên ‘Palestina’ là ‘Philistia’), những người sống ở Jordan (Ê-đôm, Mô-áp và Am-môn), và những nước trong các vương quốc thuộc bán đảo Ả Rập (người Ích-ma-ên) bất chấp những xung đột khác, đều hiệp cùng nhau trong sự thù địch của họ chống lại Y-sơ-ra-ên. Liên đoàn Ả Rập và / hoặc Liên hợp quốc đột nhiên thống nhất về các phán quyết và biện pháp nhất trí. Tác giả Thi thiên nói: “… vì chúng đã cùng nhau mưu tính” nhưng ông đã ngay lập tức thấy được tư tưởng của họ khi ông tiếp tục: “… Chúng cùng nhau tạo thành một liên minh chống lại Chúa”. Trận chiến này là giữa Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên và tất cả những thần khác của thế gian này. Đó là lý do tại sao có sự thù ghét đối với Y-sơ-ra-ên như vậy.
Vì Y-sơ-ra-ên là dấu chỉ của Đức Chúa Trời trên thế giới này. Khi một trong những người theo chủ nghĩa hoàng đế Đức đã chất vấn một nhà thần học nổi tiếng về bằng chứng về sự tồn tại của Đức Chúa Trời, ông đã suy nghĩ một lát rồi đáp: “Bằng chứng chính là người Do Thái, thưa ông!” Không một dân tộc nào khác trên thế giới này bị bức hại và giết chóc, và gần như bị tiêu diệt, nhưng vẫn luôn giữ được bản sắc của mình. Cho dù dân tộc Y-sơ-ra-ên có cố gắng đến mấy để trở nên giống với các dân tộc khác và để tham gia vào cộng đồng các quốc gia lân cận trên thế giới, thì họ vẫn chưa bao giờ thành công. Nếu bản thân Y-sơ-ra-ên không phải lúc nào cũng muốn khác biệt, thì những kẻ thù của họ vẫn luôn phân biệt họ. Trong nhiều thế kỷ khi họ sống trong môi trường xung quanh xạ lạ và thù địch, thường thì họ ít khi nhận thức về chất Do Thái của mình. Nhưng những người xung quanh họ biết chính xác ai là người Do Thái và ai không phải. Tay sai của Hitler biết chính xác làm thế nào để theo dõi họ. Tại Nga và các quốc gia xung quanh, những người đầy dẫy sự thù ghét đối với người Do Thái biết phải tìm những họ ở đâu.
Thế lực đen tối đã thổi bùng lên lòng hận thù đối với người Do Thái, chúng lợi dụng con người cho những mục đích riêng của chúng – mặc dù những người bức hại người Do Thái tất nhiên vẫn tự mình chịu trách nhiệm cho những hành động tàn ác của họ, và không thể bào chữa cho họ bằng cách nói rằng ‘đó là ma quỷ xui khiến, tôi bị thế lực đen tối kiềm hãm!’ Ma quỷ là kẻ thù chính của Đức Chúa Trời và con người, trong Kinh thánh hắn được gọi là ‘kẻ giết người từ buổi sáng thế, cha của tất cả những lời dối trá, kẻ đã hướng những sự hận thù đối với Đức Chúa Trời lên trên con dân của Ngài. Và khi ‘cơn mưa’ thù ghét đối với người Do Thái, ‘mưa xuống’ cũng rơi xuống trên những Cơ-đốc nhân, ít nhất là trên những người vẫn trung thành với Kinh Thánh. Dưới thời Hitler, Stalin và chủ nghĩa cộng sản Nga. Những người phát-xít phe cánh hữu, những kẻ độc tài xã hội chủ nghĩa và cộng sản phe cánh tả có thể là những kẻ chống đối dữ dội về mặt ý thức hệ, nhưng họ thống nhất với nhau trong lòng thù hận về mọi thứ liên quan đến Đức Chúa Trời và Kinh thánh. “…Chúng cùng nhau tạo thành một liên minh chống lại Chúa,” tác giả Thi thiên nói. Sự hận thù của đối với Y-sơ-ra-ên chính là sự thù hận đối với Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên.
CÁC VỊ THẦN AI CẬP
Luôn có một sự hận thù đối với dân Y-sơ-ra-ên từ ban đầu. Đã có như vậy từ khi dân Y-sơ-ra-ên khởi nguồn với chỉ một tộc người. Nạn đói buộc các con trai của Gia- cốp phải di cư đến Ai-cập. Nơi đó, họ đã trở thành một quốc gia hùng mạnh. Sự đóng góp của Giô-sép đã bị lãng quên và các Pha-ra-ôn của Ai-cập bắt họ làm nô lệ: Pha-ra-ôn nói với người Ai-cập rằng: “…ta hãy dùng chước khôn ngoan đối cùng họ, kẻo họ thêm nhiều lên, một mai nếu có cơn chinh chiến xảy đến, họ sẽ hiệp cùng quân nghịch đánh lại ta, và ra khỏi xứ chăng. (Xuất 10:1) Người Ai-cập bắt làm công việc nhọc nhằn, gây cho đời dân ấy nên cay đắng, vì nỗi khổ sở nhồi đất, làm gạch và mọi việc khác ở ngoài đồng. Các công việc nầy người Ai-cập bắt dân Y-sơ-ra-ên làm nhọc nhằn lắm.
Những công việc nô lệ của họ rất nặng nhọc, và áp lực đè nặng lên họ ngày càng gia tăng một cách đầy mưu mô, một phần là vì nền kinh tế và một phần là vì hận thù. Sau đó sự giết chóc bắt đầu diễ ra. Tất cả các bé trai đều phải chết ngay lập tức sau khi được sinh ra. Khi mệnh lệnh này bị một số người ngó lơ, chúng lại ban hành một lệnh khác: ném những bé trai vừa được sinh ra xuống sông Nin, nhưng bé gái thì được giữ lại (Xuất 1:15-22). Sau đó, công việc nô lệ trở nên khó khăn hơn: họ không còn được cấp rơm để trộn với đất sét trong việc sản xuất gạch, nhưng phải tự thu gom rơm, trong khi vẫn phải làm ra được cùng một khối lượng gạch như trước (Xuất 5:1-21). Sự đau khổ dường như đã quá sức chịu đựng thì Đức Chúa Trời đã can thiệp. Môi-se đã được công chúa Ai-cập cứu khỏi vùng nước chết sông Nin (Xuất 2:1-10) và lớn lên trong vương triều Pha-ra-ôn – thật là một sự trớ trêu – nơi đó, ông được dạy cho tất cả sự khôn ngoan của người Ai-cập (Công-vụ 7:22). Rồi sau đó, ông đã được đào tạo trong suốt 40 năm trong đồng vắng, trước khi được kêu gọi để dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên trong cuộc Xuất Hành vĩ đại ra khỏi Ai-cập. Nhưng trước tiên, ông phải chiến đấu với các vị thần của Ai-cập trong mười tai vạ, vì dân Y-sơ-ra-ên cũng cần phải học biết Chúa của họ là ai.
Nhiều năm sau, Ê-xê-chia đã nhân danh Chúa mà nói rằng: “…Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Đang ngày mà ta chọn Y-sơ-ra-ên, mà ta thề cùng dòng dõi nhà Gia-cốp, mà ta tỏ mình cho chúng nó biết ta trong đất Ai-cập, khi ta thề cùng chúng nó, và rằng: Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi; ngày đó ta thề hứa cùng chúng nó rằng ta sẽ đem chúng nó ra khỏi đất Ai-cập đặng vào đất mà ta đã tìm sẵn cho chúng nó, tức là đất đượm sữa và mật ong, vinh hiển nhất trong các đất. (Xuất 6:1-7) Ta nói cùng chúng nó rằng: Các ngươi ai nấy khá quăng xa mình những sự gớm ghiếc của mắt các ngươi, và chớ làm ô uế mình với các thần tượng của Ai-cập! Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi.” (Ê-xê-chi-ên 20:5-7).
Khi đang ở Ai-cập, dân Y-sơ-ra-ên đã theo phục vụ các vị thần của Ai-cập. Giô-suê, người kế nhiệm của Môi-se, sau đó đã thách thức dân Y-sơ-ra-ên bằng một lời kêu gọi đầy hứng khởi của mình: “Vậy bây giờ, hãy kính sợ Đức Giê-hô-va, và phục sự Ngài cách thành tâm và trung tín; hãy bỏ xa các thần mà tổ phụ các ngươi hầu việc bên kia sông [sông Ơ-phơ-rát, ở phía xa nơi mà Áp-ra-ham, cha của Y-sơ-ra-ên, đã phục sự các thần địa xứ đó trước khi Ðức Chúa Trời kêu gọi ông, đối chiếu với Giô-suê 24:2] và tại xứ Ai-cập; phải phục sự Đức Giê-hô-va. Nếu chẳng thích cho các ngươi phục sự Đức Giê-hô-va, thì ngày nay hãy chọn ai mà mình muốn phục sự, hoặc các thần mà tổ phụ các ngươi đã hầu việc bên kia sông, hoặc các thần dân A-mô-rít trong xứ mà các ngươi ở; nhưng ta và nhà ta sẽ phục sự Đức Giê-hô-va.” (Giô-suê 24:14-15).
Nhưng dân chúng đã không hưởng ứng, như Đức Chúa Trời đã phán với Ê-xê-chi-ên: “… Nhưng mà chúng nó dấy loạn nghịch cùng ta, và không muốn nghe ta; ai nấy không ném bỏ những sự gớm ghiếc của mắt mình, và không lìa bỏ các thần tượng của Ai-cập. Bấy giờ ta nói rằng ta sẽ đổ cơn giận ta trên chúng nó, làm trọn sự giận ta nghịch cùng chúng nó giữa đất Ai-cập. Nhưng ta đã vì cớ danh ta mà làm, hầu cho danh ấy khỏi bị nói phạm trước mắt các dân ngoại mà chúng nó ở giữa, trước mắt các dân ấy ta đã tỏ mình cho chúng nó biết, khi đem chúng nó ra khỏi đất Ai-cập. Vậy ta đã làm cho chúng nó ra khỏi đất Ai-cập, và đem chúng nó đến nơi đồng vắng. ta ban cho chúng nó luật lệ ta, và làm cho chúng nó biết mạng lịnh ta, là điều nếu người ta làm theo thì được sống bởi nó.” (Ê-xê-chi-ên 20:8-11).
Tất cả những dân tộc xung quanh Y-sơ-ra-ên – và thường là với Y-sơ-ra-ên lúc đang suy yếu – trận chiến đã diễn ra giữa Giê-hô-va Đức Chúa Trời, và các thần hư không. Những vị thần hư không nào mà Đức Chúa Trời đã giao chiến với chúng tại Ai-cập? Chúng ta có thể cho câu trả lời nhờ vào những tai vạ. Tai vạ đầu tiên trong số 10 tai vạ được hướng về sông Nin; dòng sông này được tôn thờ với cái tên là Hapi (thần lũ sông Nin), thần ban sinh mạng. Nước sông Nin biến thành máu. Sông Nin trước đây đã trở thành mồ chôn của nhiều bé trai người Do Thái; bây giờ nó đã không còn là nguồn sống cho người Ai-cập. Nước sông trở nên độc hại, không thể uống được, cá chết và bốc mùi hôi thối. Thật là một nỗi nhục nhã! Tai vạ ếch nhái làm nhục nữ thần Hektor, một biểu tượng của nữ thần Hathor (nữ thần bảo vệ/ hạnh phúc/ tình yêu). Tai vạ dịch hạch và ruồi muỗi đã được chỉ đạo chống lại Isis, vợ của Osiris, và Hathor hồi sinh, một trong những nữ thần quan trọng nhất của Ai-cập, vị thần được thờ phụng dưới hình dạng một con bò. Cả con người và gia súc đều chịu đau đớn. Dịch bệnh trên gia súc và ghẻ chốc đã nhằm vào Ptah (hay Apis) thần bò của Memphis, cũng như các vị thần khác trong hình dạng gia súc, dê, cừu. Nhưng Xuất 8:22-23 cho chúng ta biết rằng: “…Nhưng ngày đó, ta sẽ phân biệt xứ Gô-sen ra, là nơi dân ta ở, không có ruồi mòng, hầu cho ngươi biết rằng ta, Giê-hô-va, có ở giữa xứ. Ta sẽ phân biệt dân ta cùng dân ngươi. Đến mai, dấu lạ nầy tất sẽ có.”
Serapis là thần bảo vệ chống lại châu chấu, nhưng bất lực khi dịch hạch châu chấu tấn công Ai-cập. Cơn mưa đá làm tan hoang cả xứ Ai-cập. Tuy nhiên chỉ có trong xứ Gô-sen là không có mưa đá. Và rồi đến bóng tối dày đặc. Vị thần tối cao của người Ai-cập là thần mặt trời, thần Ra. Nhưng Ra không thể đẩy lùi bóng tối. Xuất 10:23 nói: “…Nhưng trong chốn dân Y-sơ-ra-ên ở thì có ánh sáng cho họ.” Chính Pha-ra-ôn, người được xem là con của thần Ra, nhưng khi tai vạ thứ mười giáng xuống đã lấy đi đứa con trai đầu lòng của ông (và tất cả con đầu lòng ở Ai-cập), Pha-ra-ôn tối thượng cũng tỏ ra bất lực. (Xuất 7:14-11:10). Tất cả những tai vạ này cho thấy rõ ràng rằng các thần linh do con người tạo ra của Ai-cập không thể nào cứu giúp được. Tôn giáo của người Ai-cập, một sự thần thánh hóa đối với thiên nhiên, đã không thể nào bảo vệ con người cũng như thú vật, và cả những đứa con trai đầu lòng của người Ai-cập.
Nhưng những cậu bé Do Thái ở xứ Gô-sen vẫn sống khỏe mạnh. Con cái của người Y-sơ-ra-ên đã bị giết, nhưng bây giờ mới rõ ai mới là Chúa thật sự. Máu của chiên con bị giết thịt được bôi lên mày cửa và khung cửa bảo vệ dân Y-sơ-ra-ên trong xứ Gô-sen tại Ai-cập (Xuất 12:1-30). Việc sử dụng máu của chiên con chính là hình bóng về Đấng Christ, Chiên Con đã hy sinh vì tội lỗi của thế gian, để ngăn cơn giận của Đức Chúa Trời đến trên những con người đang hư mất vì tội lỗi nhưng biết đặt hy vọng mình nơi Chúa Giê-xu, là Đấng mà những người Cơ-đốc tin cây. Khi dân sự đi khỏi xứ Ai-cập, vùng biển của Biển Đỏ bị chia đôi bởi một cơn gió đông mạnh và dân Y-sơ-ra-ên đi ngang qua một cách an toàn, nhưng Pha-ra-ôn và kị binh của ông đã BỎ mạng tại đó (Xuất 13:17-14:31). Trong Sách Khải Huyền với tất cả những dấu chỉ, tiếng kèn, tai vạ và bát thạnh nộ, rõ ràng nhắc nhở chúng ta về những tai vạ ở xứ Ai-cập, nhưng lúc này sẽ lớn hơn nhiều với quy mô trên toàn thế giới. Nhưng trong những ngày đó, Đức Chúa Trời sẽ biết làm cách nào để giữ cho những ai thuộc Ngài được an toàn.
CÁC VỊ THẦN KHÁC
Trong các công việc của Ngài với dân Y-sơ-ra-ên của Ngài trên thế gian, Chúa đã tỏ mình ra cho các dân tộc trên thế gian và cho chính Y-sơ-ra-ên. Hết lần này đến lần khác, Ngài đã chứng minh rằng ai mới thật sự là Đức Chúa Trời. Khi người Do Thái đến gần Mô-áp, Ba-la-am là người đã chứng kiến dân Y-sơ-ra-ên đến gần và đã nghe nói về những công cuộc vĩ đại và chiến thắng trên kẻ thù của họ, đã được mời đến và nguyền rủa Y-sơ-ra-ên. Mặc dù hắn ta muốn sử dụng sức mạnh ma thuật để làm điều này, nhưng hắn đã không thể nào địch lại Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên. Mặc dù là không muốn, nhưng hắn vẫn phải chúc phước, chứ không thể nào nguyền rủa họ (Dân số 22:2-24:25). Kẻ mà Đức Chúa Trời không rủa sả, tôi sẽ rủa sả làm sao? Kẻ mà Đức Chúa Trời không giận mắng, tôi sẽ giận mắng làm sao? Vì từ đỉnh các núi, tôi thấy người, Từ đầu cao gò đống, tôi nhìn người: Kìa, là một dân ở riêng ra, (Sẽ không nhập số các nước.” KJV) (Dân số 23:8-9).
Tuy nhiên, Y-sơ-ra-ên rơi vào tình trạng thờ lạy hình tượng hết lần này đến lần khác. Khi Môi-se vắng mặt quá lâu, con bò vàng đã được dựng lên và thờ phượng như nữ thần Hathor, một trong những vị thần của Ai-cập. Ngay cả khi ở Đất Hứa, sau khi Chúa đã giúp họ đánh bại dân Ca-na-an, với những thần tượng gớm ghiếc, với tục lệ dâng tế lễ bằng con cái và dâm loại nơi đền thờ, dân Y-sơ-ra-ên cũng rơi vào sự thờ lạy hình tượng và thờ phượng những vị thần như Mo-lóc, Ba-anh và Át-tạt-tê. Họ tôn thờ vật thọ tạo hơn là Đấng Tạo Hóa, và đó là sự thờ lạy hình tượng. Thờ lạy thế giới tự nhiên và tìm kiếm tà thuật là sự thờ lạy hình tượng. Những ai phục vụ và tự tôn mình, thay vì Đấng tạo ra mình, cũng đang thực hành thờ lạy hình tượng. Và sự thờ hình tượng chính là đang sẵn sàng hứng chịu cơn thịnh nộ khủng khiếp của Đức Chúa Trời (Rô-ma 1:18-32).
Tuy nhiên, trong từng thời kì, Đức Chúa Trời luôn bày chính mình Ngài thực sự là Đấng như thế nào. Khi dân Y-sơ-ra-ên đang bị lưu đày ở Ba-by-lôn, Nê-bu-cát-nết-sa, kẻ hủy diệt Đền thờ ở Giê-ru-sa-lem, đã phải cúi đầu xuống trước Ðức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên. Thần tượng đã phải nhường chỗ cho Đức Chúa Trời của người Do Thái (Đa-ni-ên 3). Người Ba Tư, chẳng hạn như Ha-man, cũng phải học bài học về những gì xảy ra với kẻ thù ghét người Do Thái, và cho tất cả những ai muốn tiêu diệt những người Do Thái. Dân Y-sơ-ra-ên hàng năm tổ chức lễ mừng Phu-rrim và đọc sách Ê-xơ-tê để nhớ lại rằng sự hủy diệt lớn mà Ha-man lên kế hoạch đã không xảy ra. Trong bữa tiệc, trẻ em Do Thái ăn loại bánh đặc biệt: Tai Ha-man! Thật là thú vị khi lưu ý rằng người kẻ thù ghét người Do Thái, Ha-man, là hậu duệ của A-ma-léc, kẻ đã chống lại Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng (Ê-xơ-tê 3:1,10). Hắn ta là con cháu của vua A-gát (Agag), kẻ đã được vua Sau-lơ tha mạng, chống lại mệnh lệnh của Đức Chúa Trời, cho tới khi Sa-mu-ên can thiệp (I Sa-mu-ên 15). Ba-la-am cũng đã đề cập đến A-gát (Dân số 24:7) và bản Septuagint – bản dịch tiếng Hy Lạp của Cựu Ước, do người Do Thái tạo ra vào khoảng năm 250 TCN – dịch tên vua này là Gót (Gog). Ê-xê-chi-ên nói rằng Gót một lần nữa sẽ là một nhân vật quan trọng trong thời kì cuối cùng, như một kẻ thù của Y-sơ-ra-ên (Ê-xê-chi-ên 38,39, Khải Huyền 20:8) Rồi hắn cũng sẽ bị tiêu diệt. Ha-man/ Gót là những kẻ thù ghét người Do Thái và là những kẻ chống Chúa.
CÁC GIAI ĐOẠN CỦA SỰ HỦY DIỆT
Pha-ra-ôn, A-gát, Ha-man, Gót, dòng dõi những kẻ thù ghét Do Thái là nhiều dài và lâu dài. Nổi tiếng nhất cho đến nay là Hít-le (Hitler), kẻ đã gây sức ép ngày càng khốc liệt và, giống như Pha-ra-ôn, thông qua “những thủ đoạn chính trị”.
Giai đoạn 1 (1933): Đức Quốc xã quản lý và cướp bóc các cửa hàng Do Thái, tẩy chay các cơ sở kinh doanh Do Thái, và những người Do Thái thường xuyên bị đối xử thô bạo.
Giai đoạn 2 (1935): Các đạo luật của Nuremberg về chống lại người Do Thái đã được thông qua.
Giai đoạn 3 (1939): Bắt giữ hàng loạt hai mươi nghìn người Do Thái, lúc đầu là đánh đập tra tấn và di chuyển đến các trại tập trung. Trước năm 1939, một người Do Thái vẫn có thể mua sự tự do của mình từ người Đức với một số tiền; nhưng sau năm 1939, việc đó phải tốn cả tài sản của người này, và thậm chí sau đó người này cũng không thể thoát thân được.
Giai đoạn 4 (1940): Sự trục xuất tất cả người Do Thái ở Đức và Áo đến các khu ổ chuột tại Ba Lan.
Giai đoạn 5: The Endlösung (Giải pháp cuối cùng). Đầu tiên là các đơn vị giết người, Einsatzgruppen (các đơn vị đặc biệt theo sau Wehrmacht và thực hiện các cuộc hành quyết tập thể). Sau năm 1941 (cùng lúc với cuộc xâm lăng của Nga) các trại tập trung và các trại lao động đã trở thành lò mổ. Hàng triệu người Do Thái bị sát hại. Sự tiến bộ kỹ thuật (chẳng hạn như dùng khí Zyklon-B) làm tăng tiến độ giết hại lên tối đa.
Kết quả cuối cùng là ít nhất sáu triệu người Do Thái (con số chính xác không bao giờ được xác định) đã bị sát hại, trong đó có một triệu rưỡi là trẻ em. Sáu triệu vụ giết người diễn ra, thường xuyên một cách vô nhân đạo và tàn ác. Lời nói bất lực trong việc diễn tả thảm kịch này.
Chủng tộc Aryan cho mình là thượng đẳng nổi lên chống lại dân của Đức Chúa Trời, tộc người mà Đức Quốc xã đã xem Untermenschen (những người ở mức thấp nhất của sự tiến hóa, thua cả chuột). Họ bị đem ra làm thí nghiệm như là chuột, hoặc lợn guinea, trong các thí nghiệm y học tàn bạo của con người. Họ bị coi là những người không thích hợp cho sự tiến hóa, những người phải bị tiêu diệt vì lợi ích của sự tiến bộ của con người đối với việc trở thành Übermensch (người siêu phàm). Darwin đã giới thiệu khái niệm về sự sống còn của người thích nghi tốt nhất, có nghĩa là sự sống còn của kẻ mạnh nhất. Hitler (như Karl Marx, người sáng lập chủ nghĩa cộng sản) là một người ngưỡng mộ Darwin. Hitler không phải là người đưa ra ý tưởng về một chủng tộc thượng đẳng; ý tưởng đó đã tồn tại hàng thập kỷ và đã được phát triển tại các trường đại học của Đức. Người ta lập luận rằng quá trình tiến hóa diễn ra thông qua đấu tranh, trong loài vật nào mạnh sẽ tiêu diệt loài yếu hơn, ít thích nghi hơn. Mô hình này chứng minh cho sự tiêu diệt Untermensch, những người bị xem là trở ngại cho sự phát triển của một chủng tộc siêu phàm. Ngoài những người Do Thái, những người thiểu năng, những người khuyết tật, những người đồng tính, những người Di-gan, và các nhóm khác thuộc Untermensch cũng đều bị tiêu diệt.
Trong bất cứ cách nào hận thù đều khoác lên mình một cái gọi là ý thức hệ, suy cho cùng cũng chỉ là sự thù ghét đối với Đức Chúa Trời. Đó là sự hận thù đối với Đấng Tạo Hóa của trời và đất. Đó là sự thù ghét đối với những người Ngài đã chọn để thông qua họ, bày tỏ ý muốn của Ngài trên thế giới này. Đó là sự thù ghét đối với đứa con vĩ đại của người Do Thái, Chúa Giê-xu Christ.
Không giống những người theo thuyết Can-vin, những người cho rằng con người sinh ra với bản chất tội lỗi, tự nhiên thù nghịch Đức Chúa Trời và người lân cận mình, người Do Thái nói chung có một cái nhìn tích cực về bản tính con người, liên quan đến con người như một hỗn hợp của cái thiện và cái ác. Chủ nghĩa nhân văn cũng dạy rằng con người thực sự tốt và bất kỳ yếu tố xấu nào có thể được khắc phục bằng cách cung cấp điều kiện sống tốt hơn và giáo dục nhiều hơn nữa. Đối mặt với sự gia tăng của chủ nghĩa phát xít, người Do Thái đã nhiều lần tin rằng mọi thứ cuối cùng sẽ tốt hơn, rằng lợi ích của người dân rồi sẽ lấy lại được. Hitler đã đưa ra quan điểm của mình về người Do Thái và số phận cuối cùng của họ trong cuốn sách Mein Kampf của ông, nhưng hầu hết người Do Thái không bao giờ mơ ước nó có thể trở thành một thực tế, và với tốc độ như vậy. Và họ vẫn ở Đức cho đến khi quá muộn và họ không thể nào rời khỏi đó nữa.
SỰ THÙ GHÉT CƠ ĐỐC NHÂN
Sự hận thù người Do Thái cũng được rêu rao bởi một hình thức sai lầm của Cơ-đốc giáo như là một sự hận thù hợp pháp của việc ‘nợ máu phải trả bằng máu’ (giết con Đức Chúa Trời). Nhưng Chúa Giê-xu Christ, Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng đã cất tội lỗi của thế gian đi, đã tự phó sự sống mình (Giăng 10:18) và trên thập tự giá Ngài đã cầu nguyện: “…Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì.” (Lu-ca 23:34).
Một dạng thức của thần học Cơ-đốc, có lẽ là thần học chống Cơ-đốc thì đúng hơn, qua nhiều thế kỷ đã buộc người Do Thái phải chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giê-xu. Giáo hội đã ít lòng nhân hậu hơn Đức Chúa Trời. Không thể nào nói nhắc lại hết cho được rằng Thập Tự Chinh, Tòa Dị giáo, Thảm Sát và Diệt Chủng (người Do Thái) đã diễn ra trong thế giới Cơ-đốc và đại diện cho Cơ-đốc chống Do thái. Thậm chí cho đến ngày nay, Hội đồng các Giáo hội Thế giới đưa ra một tuyên bố ủng hộ Palestine, hết lần này đến lần khác. Giáo hội Công giáo La Mã, mặc dù đã ban hành tất cả các tuyên bố tốt và tích cực và đã có những bài diễn văn cẩn thận về Cơ-đốc giáo chống Do thái trong quá khứ, nhưng đã không thừa nhận Nhà nước Y-sơ-ra-ên trong nhiều năm. Chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tới Y-sơ-ra-ên vào năm 2000 và những lời hối cải ông nói có một điểm khởi đầu tốt đẹp cho một mối quan hệ tốt đẹp hơn. Nhưng những lời lẽ phải được theo sau bởi hành động.
Thần học thay thế là sự giảng dạy rằng hội thánh đã thay thế Y-sơ-ra-ên làm tuyển dân của Đức Chúa Trời. Khi đa số người Do thái không chấp nhận Chúa Giê-xu, thì hội thánh được xem như là con dân mới của Đức Chúa Trời. Theo quan điểm này, hội thánh sẽ nhận được những lời hứa của Kinh Thánh, trong khi đó, những lời rủa sả và sự phán xét bị đổ trên người Do thái và dân Y-sơ-ra-ên. Thần học thay thế này đã được thuyết giảng trong hàng nhiều thế kỷ và đã thấm sâu vào tĩnh mạch và máu của thần học Công giáo La Mã, Tin Lành và Chánh Thống giáo, như chúng ta đã thấy trong các chương trước.
Sự giảng dạy này vẫn sống động và rất phổ biến trong vòng các Cơ-đốc nhân người Ả Rập và Palestine; do đó, họ không gặp nhiều khó khăn trong việc cùng chung một mối thâm thù và lên án Y-sơ-ra-ên với những người anh em Hồi giáo của họ. Nhưng thù ghét Y-sơ-ra-ên chính là thù ghét Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên. Sự thù ghét Y-sơ-ra-ên, mặc dù đã được cởi mở bằng các thuật ngữ thần học, nhưng vẫn còn đó là sự thù ghét Đức Chúa Trời. Nhiều người ngày nay chỉ ra sự thay đổi về tư duy trong giới Cơ-đốc đối với dân Y-sơ-ra-ên. Sự thay đổi trong tư duy này vẫn chưa được nhìn thấy lâu như vậy đó, nhưng những năm tháng mà hệ tư tưởng thần học mới này thịnh hành nhất đã ở lại đằng sau chúng ta.
Sau thế chiến thứ hai, đã có một sự sẵn sàng chấp nhận thay đổi thái độ, bao gồm cả sự thay đổi về thần học, đối với người Do Thái và dân Y-sơ-ra-ên. Hội thánh Cải chánh Hà Lan ở Hà Lan (Nederlandse Hervormde Kerk) đóng một vai trò nổi bật trong sự việc này, và trong vài năm tiếp theo cũng có sự thay đổi. Trên bình diện quốc tế và là thành viên của Hội đồng Giáo hội Thế Giới, Hà Lan thường một mình đứng lên ủng hộ Y-sơ-ra-ên, giống như tiếng kêu trong đồng vắng. Nhưng bây giờ người Palestine đang được miêu tả như những người láng giềng, và suy nghĩ thần học đã chuyển sang một “thần học giải phóng Palestine”. Không có nơi nào đặc biệt cho Y-sơ-ra-ên trong thần học Cơ-đốc, và có vẻ như, chỉ có ở trong lời tiên tri của Kinh Thánh!
Đức Chúa Trời thấy điều đó theo cách khác. Ngài thành tín với các giao ước của Ngài với Y-sơ-ra-ên. Giờ đây, Y-sơ-ra-ên đang trong giai đoạn được yên nghỉ về thân thể, linh hồn và tâm linh của mình. Nhà nước Do thái tái sinh là một thực tế không thể phủ nhận. Ở Y-sơ-ra-ên, người Do Thái có thể là chính họ. Nhiều người trong số họ đang tái khám phá nguồn gốc Do Thái thuộc linh của họ. Số lượng các nhà hội ở Y-sơ-ra-ên đang tăng lên, cũng như mức độ lòng tự trọng của người Do Thái và sự tự nhận thức của người Do Thái. Tại đó, vùng Đất Hứa, Thánh Linh của Đức Chúa Trời sẽ tuôn đổ trên họ, như các tiên tri Giô-ên, Giê-rê-mi, Ê-xơ-ra và Xa-cha-ri. Sau đó linh hồn Do Thái sẽ nghỉ ngơi và vui mừng trong sự cứu rỗi mà Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, Cha của Chúa Giê-xu Christ, Chúa chúng ta sẽ đổ xuống trên họ và trong họ, nhờ ân sủng của Ngài. Và rồi, Y-sơ-ra-ên sẽ sống yên ổn ở giữa thế giới và sẽ là một người phước cho các dân tộc khác. Vì Đức Chúa Trời không chọn Y-sơ-ra-ên chỉ vì lợi ích của Y-sơ-ra-ên mà thôi, nhưng vì Ngài muốn, qua Y-sơ-ra-ên, Ngài ban phước cho cả thế giới. Và Ngài sẽ không bỏ quên những gì chính tay Ngài đã tạo nên. Ngài sẽ đến để cho Y-sơ-ra-ên được an nghỉ.
(Bảo trợ phiên dịch: Hội Đồng Phục Hưng Liên Hiệp Toàn Cầu)