“Tại sao tôi không nên làm theo lòng mình muốn? Nếu tôi là Cơ Đốc nhân — nếu Đức Chúa Trời đã khiến tôi ‘sanh lại’ và đã ban cho tôi ‘lòng mới’ — thì lòng mới của tôi có đáng tin không?”
Nhiều độc giả đưa ra lời phản đối đủ kiểu khi tôi khuyên Cơ Đốc nhân “Đừng theo lòng mình.” Những phản đối đều có lý do chính đáng. Sau cùng thì Kinh Thánh dạy rõ ràng về khía cạnh nầy trong giao ước mới, Đức Chúa Trời viết luật pháp của Ngài ở trên tấm lòng mới của chúng ta hầu cho chúng ta tình nguyện theo Ngài (Giê-rê-mi 31:31-34; Hê-bơ-rơ 8:8-12). Đây không phải là một gợi ý, mà là một sự ủy thác, đó là Cơ Đốc nhân nên làm theo lòng mình muốn.
Nhưng Kinh Thánh mô tả một người đã tái sinh trong thời đại ngày hôm nay là một bức tranh phức tạp giữa vấn đề thuộc linh và tâm lý học — đây là điều khiến tôi tin rằng Cơ Đốc nhân có thể đưa ra nghi vấn dựa trên nền tảng Kinh Thánh khi họ muốn nhận ra ý muốn ở trong lòng mình. Trong khi chúng ta hy vọng và có lẽ sẽ biết được Cơ Đốc nhân nên làm theo lòng mình muốn chăng, thì tôi xin đưa ra một trường hợp cho thấy cụm từ nầy đang coi nhẹ sự cố gắng và sự tranh chiến của Cơ Đốc nhân trong việc phân biệt ý muốn của mình, còn Kinh Thánh lại không khuyến khích chúng ta suy nghĩ theo hướng đó.
Cuộc chiến nội tâm
Chúng ta có thể tóm tắt bức tranh phức tạp mà Kinh Thánh đã phác họa về sự tái sinh trong thời đại nầy như thế nào?
Tân Ước giải thích rằng: khi Đức Chúa Trời đem chúng ta từ sự chết đến sự sống ở trong phương diện thuộc linh (Giăng 5:24; Rô-ma 6:13), thì chúng ta được bước vào một thực tại mới lạ. Con người mới đã được tái sinh của chúng ta trở nên sống động: “là người đã được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời trong chân lý công chính và thánh khiết”.
Nhưng “cái tôi” của chúng ta, vốn thuộc về con người cũ, vẫn còn “bị hư hỏng bởi những ham muốn dối trá” (Ê-phê-sô 4:22-24). Chúng ta được “sanh lại bởi Thánh Linh” (Giăng 3:6) trong khi vẫn còn ở trong “xác thịt”, “điều lành chẳng ở” trong “thân thể hay chết” của chúng ta (Rô-ma 7:18,24).
Khi Cơ Đốc nhân được tái sinh, chúng ta bước vào một cuộc chiến nội tâm sẽ kéo dài suốt đời, “vì xác thịt có những điều ưa muốn trái với những điều của Thánh Linh, Thánh Linh có những điều ưa muốn trái với của xác thịt; hai bên trái nhau dường ấy, nên anh em không làm được điều mình muốn làm” (Ga-la-ti 5:17). Hãy lùi lại và quan sát những điều nầy một cách khách quan hơn: “các việc làm của xác thịt” là kết quả từ những điều ưa muốn của xác thịt “là rõ ràng lắm”, cho nên “trái của Thánh Linh” cũng như vậy (Ga-la-ti 5:19-23).
Nhưng Cơ Đốc nhân thường tranh chiến — ở dưới đất, trong thời gian thực — để phân biệt những điều ưa muốn của Thánh Linh và những điều ưa muốn của xác thịt.
“Tấm lòng của những người đã được tái sinh không hoàn toàn được tự do khỏi sự ưa muốn của xác thịt”
Đây là lý do các thư tín trong Tân Ước chứa đựng những lời khuyên răn dành cho Cơ Đốc nhân. Sứ đồ Gia-cơ nói với độc giả của mình (với chúng ta vào những lúc thích hợp) rằng “những sự tranh, xung đột” ở giữa họ (Gia-cơ 4:1). Sứ đồ Phi-e-rơ cảnh báo độc giả của mình (và chúng ta) rằng: “đừng chiều theo những dục vọng lúc trước, khi anh em còn mê muội” (1 Phi-e-rơ 1:14). Sứ đồ Phao-lô mô tả những xung đột nội tâm nầy là “khốn nạn” (Rô-ma 7:24). Ông khuyên Cơ Đốc nhân ở Cô-lô-se (và chúng ta) bằng giọng điệu gay gắt rằng: “hãy giết chết những dục vọng trần tục như gian dâm, bất khiết, tình dục dâm đãng, ước muốn xấu xa và tham lam; vì tham lam là một hình thức thờ hình tượng” (Cô-lô-se 3:5).
Tại sao các sứ đồ lại nói với những người đã được tái sinh như vậy? Bởi vì tấm lòng của những người đã được tái sinh không hoàn toàn được tự do khỏi sự ưa muốn của xác thịt, tức là cái tôi của họ.
Hãy bước đi theo Thánh Linh
Hầu hết cuộc đời của Cơ Đốc nhân là một trận chiến phải làm chết con người tội lỗi và sống nhờ cậy Đức Thánh Linh. John Piper gọi đây là “cuộc chiến lớn trong đời sống Cơ Đốc”:
Cuộc chiến lớn là nhìn thấy trong lòng của chúng ta đã có sự cải thiện chưa, hầu cho chúng ta không còn muốn vi phạm những tội lỗi ấy nữa, và không chỉ buộc ý chí là đừng phạm tội, mà còn phải chặt đứt gốc rễ một cách triệt để thì chúng ta mới có những điều ưa muốn tốt hơn. Nói cách khác, mục tiêu của sự thay đổi — của sự nên thánh, của đời sống Cơ Đốc — là được biến đổi đến nỗi chúng ta có thể và phải làm theo những điều ưa muốn của mình.
Điều nầy thật đúng lắm! Khi chúng ta được biến đổi qua tiến trình được nên thánh, được cải thiện đến nỗi tấm lòng của chúng ta (cũng như những điều ưa muốn, khuynh hướng, động cơ, cảm xúc và đam mê của chúng ta) giống như John Piper nói là “được chi phối bởi Đấng Christ”, khi đó chúng ta nên làm theo lòng mình.
Tuy nhiên, có những lúc trong Hội thánh, nhóm nhỏ, trong tình bạn, và trong gia đình, mỗi Cơ Đốc nhân có những hoàn cảnh vì những lý do khác nhau ở trong tấm lòng đang được cải thiện. Có vài tấm lòng đã được nên thánh nhiều hơn, nên có thể làm theo lòng mình nhiều hơn, người khác. Tôi nghĩ đó là lý do vì sao chúng ta thấy các sứ đồ khuyên chúng ta nên bước đi theo Thánh Linh, chứ đừng làm theo điều lòng mình muốn, bởi vì chúng ta vẫn còn ở trong cuộc chiến đức tin chống trả những tội lỗi vẫn còn cư ngụ ở trong lòng chúng ta.
Đừng để tội lỗi cai trị
Sứ đồ Phao-lô là người đào sâu về vấn đề nầy nhất: “Vậy tôi nói, hãy bước đi theo Thánh Linh, đừng thỏa mãn những dục vọng xác thịt” (Ga-la-ti 5:16). Ông dành hết Rô-ma 6–8 để giải thích tình trạng của con người mới/con người cũ, Thánh Linh/xác thịt trong đời sống Cơ Đốc, Rô-ma 8:13 chép rằng: “Vì nếu anh em sống theo xác thịt thì phải chết; nhưng nếu anh em nhờ Thánh Linh làm cho chết công việc của thân thể thì anh em sẽ sống”.
Sứ đồ Phao-lô cho chúng ta có một nền tảng thần học để xây dựng sự hiểu biết của chúng ta bằng cách giải thích rằng “người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh trên thập tự giá với Ngài, hầu cho thân thể của tội lỗi bị tiêu diệt đi, và chúng ta không phục dưới tội lỗi nữa” (Rô-ma 6:6). Con người mới của chúng ta “được sống lại với Đấng Christ” (Cô-lô-se 3:1) hầu cho “chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy” (Rô-ma 6:4). Vì thế, chúng ta “hãy coi mình như chết về tội lỗi và như sống cho Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Rô-ma 6:11).
Như vậy, sứ đồ Phao-lô khuyên chúng ta rằng:
Vậy, đừng để tội lỗi cai trị trong thân thể hay chết của anh em, khiến anh em phải chiều theo dục vọng của nó. Đừng hiến chi thể mình làm công cụ gian ác cho tội lỗi, nhưng hãy hiến chính mình cho Đức Chúa Trời như những con người từ cõi chết sống lại, và dâng chi thể mình làm công cụ công chính cho Đức Chúa Trời. Vì tội lỗi sẽ không còn cai trị anh em đâu, bởi anh em không ở dưới luật pháp mà ở dưới ân điển. (Rô-ma 6:12-14)
Chúng ta phải làm thế nào đây? Hãy học cách “chú tâm vào những việc thuộc Thánh Linh” và đừng “chú tâm vào những việc thuộc xác thịt” (Rô-ma 8:5) — học cách “bước đi theo Thánh Linh” (Ga-la-ti 5:16), bởi vì “tất cả những ai được Thánh Linh của Đức Chúa Trời dẫn dắt đều là con của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 8:14).
Hãy đi theo Kho báu
Một trong những lý do tôi thấy việc “làm theo lòng mình” không hề có sự hữu ích khi cố vấn cho Cơ Đốc nhân đó là: nhiều người trong chúng ta, từ lúc còn rất trẻ, đã hấp thụ một kiểu tôn giáo gọi là văn hóa đại chúng thường nói là, nếu chúng ta soi kỹ trong tấm lòng của mình, thì chúng ta sẽ thấy được chân lý và khám phá được con đường mình phải theo. Nếu tội lỗi vẫn còn chi phối tấm lòng của chúng ta, thì những câu như thế rất dễ tạo ra sự rối ren trong đời sống Cơ Đốc.
“Có vài tấm lòng đã được nên thánh nhiều hơn, nên có thể làm theo lòng mình nhiều hơn, người khác”
Tôi cũng không tin Kinh Thánh khuyến khích ý tưởng nầy là vì, khi đề cập về tấm lòng, những gì chúng ta nghe từ nãy đến giờ là “hãy định hướng cho tấm lòng của mình”, chứ không phải làm theo lòng mình. Chúng ta thấy rất rõ trong mấy lời dạy dỗ của sứ đồ Phao-lô ở trên. Đức Chúa Trời đã tạo nên tấm lòng của chúng ta để đi theo, chứ không phải để dẫn lối cho chúng ta. Tấm lòng của chúng ta đi theo cái gì? Chúa Jêsus đưa ra câu trả lời rất rõ ràng: “Vì chưng của báu ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó” (Ma-thi-ơ 6:21).
Tấm lòng của chúng ta thường đeo đuổi (đi theo) những gì chúng ta quý trọng nhất.
Khi chúng ta được tái sinh, con mắt của lòng chúng ta được mở ra (Ê-phê-sô 1:18) và cũng nhờ đức tin mà chúng ta bắt đầu thấy rõ Kho báu, là Đức Chúa Trời ở trong Đấng Christ. Vì tấm lòng của chúng ta biết đeo đuổi một mục tiêu nào đó, tức là của báu, có thể khơi dậy trong lòng một sự quý mến, thì tôi đề nghị chúng ta không nên cố vấn cho nhau về việc “làm theo lòng mình”, mà hãy giúp nhau “đi theo Kho báu”. Nếu nhìn vào lòng của mình để tìm hướng đi, thì đây sẽ là một lựa chọn vô cùng mạo hiểm cho hành trình thuộc linh. Chúng ta nên định hướng cho tấm lòng của mình biết đeo đuổi điều gì có giá trị nhất và có sự vui sướng nhất. Đó là lý do vì sao Đa-vít khuyên chúng ta “hãy khoái lạc nơi Đức Giê-hô-va, thì Ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng mình ao ước (Thi thiên 37:4).
Desiring God bắt đầu từ năm 1994 khi John Piper giao lại mục vụ ghi âm cho trợ lý của ông là Jon Bloom. Từ những băng đĩa và một vài quyển sách của John Piper, mà Desiring God đã trở thành một mục vụ quốc tế ở trên mạng điện tử với hơn 12,000 tài liệu miễn phí và có khoảng 3,5 triệu người truy cập mỗi tháng. Hôm nay, John Piper vẫn là giáo sư lãnh đạo mục vụ nầy.
(Nguồn: tienphong.org)