CHƯƠNG 9:
BIỂU HIỆN VỀ SỰ NỔI LOẠN CỦA CON NGƯỜI (1)
Kinh Thánh: II Phi-e-rơ 2:10-12; Ê-phê-sô 5:6; Giu-đe 8-10; Ma-thi-ơ 12:12-34; Rô-ma 9:11-24
Sự nổi loạn của con người thực tế được biểu hiện ở đâu? Trước hết, nó được biểu hiện trong lời nói. Thứ hai, nó được biểu hiện trong những lý luận. Thứ ba, nó được biểu hiện trong những ý tưởng. Để được giải cứu khỏi tình trạng nổi loạn, trước hết chúng ta phải xử lý ba điều này. Nếu không thì sẽ không thể thật sự xử lý được sự nổi loạn.
LỜI NÓI
Lời Nói Là Cửa Ngõ Của Lòng
Nếu một người nổi loạn thì lời nói của người ấy chắc chắn sẽ bày tỏ tình trạng nổi loạn. Sớm muộn gì những lời nói nổi loạn cũng ra khỏi miệng người ấy vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng nói ra. Để biết đến uy quyền, trước hết một người phải gặp uy quyền. Nếu chưa gặp uy quyền thì một người sẽ không bao giờ có thể thuận phục. Chỉ lắng nghe những bài giảng về sự thuận phục cũng vô ích. Một người phải gặp Đức Chúa Trời một lần và sau đó nền tảng uy quyền của Đức Chúa Trời sẽ được thiết lập trong người ấy. Khi nói, người ấy sẽ biết có lời nói bất tuân nào ra từ miệng mình hay không. Thậm chí trước khi lời nói phát ra, chỉ suy nghĩ về điều đó cũng gây cho người ấy cảm giác khó chịu. Người ấy nhận thức rằng mình đã vượt quá giới hạn và bên trong người ấy có một sự kiềm chế. Nếu một người nói ra những lời nổi loạn một cách khinh suất mà bên trong không có sự kiềm chế nào thì đó phải là người chưa từng gặp uy quyền. Phát biểu trong tâm trạng nổi loạn dễ hơn là hành động trong tâm trạng nổi loạn.
Cái lưỡi là vật khó thuần hóa nhất. Vì vậy, khi một người nổi loạn chống lại uy quyền, lập tức cái lưỡi sẽ lộ diện. Có lẽ một người đồng ý trước mặt anh em, nhưng khi xoay lưng lại thì những lời nhạo báng sẽ phát ra. Có thể người ấy không nói ra lời nào trước mặt, nhưng khi xoay lưng lại thì miệng đầy những lời nói. Đó là vì miệng rất sẵn sàng. Ngày nay, mọi người trên thế giới đều nổi loạn. Hầu hết người ta phục vụ bằng miệng lưỡi và thuận phục ở bề ngoài. Nhưng trong Hội Thánh không những cần phải thuận phục ở bên ngoài mà mọi sự thuận phục cũng cần phải bắt nguồn từ tấm lòng. Nếu anh em muốn biết một người có thuận phục từ trong lòng hay không thì hãy xem người ấy có thuận phục trong lời nói hay không. Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta thuận phục từ trong tấm lòng. Chúng ta phải gặp uy quyền của Đức Chúa Trời, nếu không thì sớm muộn gì nan đề cũng sẽ bùng nổ.
Ê-va Thêm Vào Lời Đức Chúa Trời Một Cách Khinh Suất
Khi Ê-va bị cám dỗ trong Sáng-thế Ký chương 3, bà thêm một vài lời là: “Cũng đừng đụng đến” (c.3). Chúng ta phải nhận thức sự nghiêm trọng của vấn đề này. Nếu biết uy quyền của Đức Chúa Trời, một người sẽ không dám thêm vào lời của Đức Chúa Trời. Lời của Đức Chúa Trời đủ rõ ràng rồi. “Ngươi được tự do ăn các thứ cây trong vườn; nhưng về cây kiến thức về thiện và ác, thì ngươi đừng ăn” (2:16-17). Đức Chúa Trời không nói: “Cũng đừng đụng đến”. Những lời ấy được Ê-va thêm vào. Người nào thay đổi lời của Đức Chúa Trời bằng cách thêm thắt vào hay xóa bỏ lời ấy thì chứng tỏ là người đó chưa từng gặp uy quyền. Một người như vậy chắc chắn là nổi loạn và thiếu hiểu biết. Nếu một chính quyền sai phái một người với tư cách là đại diện đến một nơi nào đó để phát ngôn thì người ấy phải ghi nhớ chính xác những lời mình sẽ phải nói. Người ấy không được thêm gì khác vào những lời ấy. Mặc dầu Ê-va thấy Đức Chúa Trời mỗi ngày, bà vẫn không biết uy quyền. Bà nói năng một cách cẩu thả và nghĩ rằng nói thêm bớt một vài lời cũng không sao. Nếu một người thế tục phục vụ một người chủ thế tục còn không dám thêm bớt lời của chủ mình thì chúng ta là những người hầu việc Đức Chúa Trời càng cần phải cẩn thận làm như vậy đến mức nào? Nếu một người phát biểu cách khinh suất thì chứng tỏ người ấy là một người nổi loạn.
Cham Phơi Bày Sự Thất Bại Của Cha Mình
Hãy xem xét hành vi của Cham, là con trai của Nô-ê. Khi thấy cha mình trần truồng, ông đi ra nói cho Sem và Gia-phết biết (9:20-22). Một người không thuận phục từ trong tấm lòng luôn luôn thích trông thấy uy quyền ở trong tình trạng thất bại. Cham tìm thấy cơ hội để phơi bày lầm lỗi của cha mình. Điều này chứng tỏ ông là một người không thuận phục uy quyền của cha mình. Trước kia, ông thuận phục do bị áp lực. Khi trông thấy lỗi lầm của cha mình, ông phơi bày lỗi lầm ấy ra cho hai người anh em của mình. Nhiều anh em chỉ trích những người khác và thích tàn hại họ vì thiếu tình yêu thương (I Cô-rinh-tô 13:4-5). Đối với Cham thì ông không những thiếu tình yêu thương, mà còn thiếu sự thuận phục. Đó là biểu hiện của sự nổi loạn.
Lời Nhạo Báng Của Mi-ri-am và A-rôn Đối Với Môi-se
Trong Dân-số Ký chương 12, Mi-ri-am và A-rôn chỉ trích Môi-se. Họ xen lẫn công việc gia đình với công tác. Trong sự kêu gọi của Đức Chúa Trời, Môi-se đã được tuyển chọn; Mi-ri-am và A-rôn chỉ là những người giúp đỡ. Đó là quyết định của Đức Chúa Trời. Sự bất tuân của hai người này cũng biểu lộ qua lời nói. Nếu biết đến uy quyền thì nhiều môi miệng sẽ ngậm lại và chúng ta sẽ tránh được nhiều nan đề. Một khi chúng ta gặp uy quyền thì nhiều nan đề thiên nhiên sẽ không còn nữa. Dường như những lời nói của Mi-ri-am không có gì là lạm quyền. Bà chỉ nói rằng: “Đức Giê-hô-va thực sự đã chỉ phán qua một mình Môi-se thôi sao? Ngài đã không phán qua chúng ta nữa sao?” (c.2). Nhưng Đức Chúa Trời hiểu đó là lời nhạo báng (c.8). Có lẽ có nhiều lời họ chưa nói ra. Có lẽ những gì được bày tỏ chỉ là phần nổi của tảng băng ngầm, tức chỉ là một phần mười của những gì có ở đó. Có lẽ chín mươi phần trăm vẫn ẩn giấu. Hễ có linh nổi loạn trong con người thì Đức Chúa Trời sẽ nhận ra điều đó, bất kể người ấy có nói ra bao nhiêu lời tốt lành đi nữa. Sự nổi loạn được biểu lộ qua lời nói. Một lời có tính chất nổi loạn thì nói ra sự nổi loạn, bất kể lời ấy mạnh mẻ hay yếu ớt.
Phe Nhóm Của Cô-rê Công Kích Môi-se
Trong Dân-số Ký chương 16, khi phe nhóm của Cô-rê và 250 người lãnh đạo nổi loạn, nhiều lời nói được phát biểu ra hơn nữa. Bất cứ điều gì chất chứa trong lòng họ đều nói ra. Thậm chí họ bùng lên trách móc một cách công khai. Tuy Mi-ri-am nhạo báng, nhưng bà làm điều ấy một cách dè dặt và như vậy vẫn còn có thể cứu vãn. Nhưng phe nhóm của Cô-rê thì không kiềm chế gì cả. Mọi sự tuôn ra như một cơn lũ. Ngay cả nổi loạn cũng có nhiều mức độ. Một số người cảm thấy xấu hổ nhiều hơn và họ có thể được phục hồi. Nhưng những người buông bỏ mọi sự kiềm chế, tức những người hoàn toàn không kìm hãm, mở cửa Âm-phủ ra cho chính mình và Âm-phủ nuốt chửng họ. Không những phe nhóm của Cô-rê phát biểu một cách gian ác, mà họ còn công kích một cách công khai.
Điều này quá nghiêm trọng đến nỗi Môi-se đã phải sấp mặt mình xuống [đất]. Những lời như thế này nghiêm trọng biết bao: Anh dành lấy quá nhiều [trách nhiệm]. Tại sao anh lại tự nâng mình lên trên hội chúng của Chúa? Chúng tôi chỉ thừa nhận Đức Giê-hô-va ở giữa vòng chúng tôi. Toàn hội chúng đều thánh khiết. Chúng tôi không chấp nhận uy quyền của anh. Anh tự đảm trách quá nhiều [công việc]. Tại đây chúng ta nhận thấy rằng người nào chỉ nghe theo uy quyền trực tiếp từ Đức Chúa Trời nhưng khước từ uy quyền đại diện của Ngài thì người ấy đang theo nguyên tắc nổi loạn.
Nếu một người thuận phục uy quyền, chắc chắn người ấy sẽ kiềm chế môi miệng của mình. Người ấy sẽ không khinh suất. Trong Công vụ chương 23, Phao-lô bị xét xử. Là một sứ đồ và tiên tri, ông đứng trong vị trí của một tiên tri nói với thầy tế lễ thượng phẩm A-na-nia rằng: “Hỡi bức tường tô trắng kia, Đức Chúa Trời sẽ đánh ông!” (c.3). Nhưng đồng thời, Phao-lô cũng là một người Do-thái. Khi nghe biết A-na-nia là thầy tế lễ thượng phẩm, lập tức ông dịu lại và nói: “Ngươi đừng nói lời gian ác với quan trưởng của dân ngươi” (c.5). Ông cẩn thận trong lời nói biết bao và ông kiềm chế môi miệng của mình dường nào.
Sự Nổi Loạn Liên Hệ Đến Việc Bước Đi Theo Tư Dục Của Xác Thịt
Sự nổi loạn của con người đặc biệt liên quan đến việc buông thả trong xác thịt. Trong II Phi-e-rơ 2:10, xác thịt và tư dục được đề cập đến trước, rồi mới đến những người khinh thường bậc chủ quyền. Sự khinh thường chủ quyền được bày tỏ qua những lời nhạo báng, những lời nổi loạn.
Hạng người nào sống quây quần với hạng người đó; họ quan hệ qua lại với những hạng người giống như mình. Những kẻ nổi loạn luôn luôn đi cùng với những người bước theo xác thịt. Họ còn là những bạn đồng hành với những kẻ buông thả theo tư dục ô uế và khinh thường bậc chủ quyền. Theo cái nhìn của Đức Chúa Trời, bước đi theo xác thịt, buông thả trong tư dục và khinh thường bậc chủ quyền thì đều như nhau. Những người như vậy tự phụ, bướng bỉnh và không ngại nói xấu những bậc tôn trọng. Nhưng những người biết Đức Chúa Trời thì sợ thay cho họ. Môi miệng có một dục vọng là nói ra những lời gian ác. Nếu biết Đức Chúa Trời thì chúng ta sẽ ăn năn và hối hận, vì chúng ta nhận thức rằng Đức Chúa Trời ghét điều này biết bao. Đã có lần các thiên sứ ở dưới những vị có chủ quyền. Do đó, họ không dám nhạo báng những vị ấy bằng những lời gian ác. Họ không dám xử lý linh bất pháp bằng phương tiện bất pháp. Vì vậy, nếu sống trước mặt Đức Chúa Trời thì chúng ta không thể sỉ vả người khác bằng những lời nhục mạ. Xin lưu ý là trong sự cầu nguyện cũng có thể nói ra những lời nhạo báng. Đa-vít có thể nói Sau-lơ là người đã được Đức Chúa Trời xức dầu. Điều này chứng tỏ ông là một người giữ địa vị đúng đắn. Quyền lực của Sa-tan được thiết lập trên sự bất pháp, trong khi các thiên sứ là những vị không thể vượt quá địa vị của họ. Phi-e-rơ dùng ví dụ này để cho chúng ta thấy rằng nếu các thiên sứ trên trời còn như vậy thì chúng ta cần phải giống như vậy càng hơn (c.11).
Chỉ có hai điều làm cho một Cơ Đốc Nhân mất đi quyền năng của mình. Một là tội và hai là nói xấu những người bề trên. Càng nói xấu thì càng mất quyền năng. Nếu một người chỉ thiếu sự thuận phục trong lòng mà không thốt ra những lời lẽ tương đương từ môi miệng mình, thì người ấy không bị mất quyền năng nhanh như vậy. Hậu quả của lời nói nghiêm trọng hơn chúng ta tưởng.
Đối với Đức Chúa Trời, những tư tưởng và hành vi của con người đều như nhau. Hễ có một ý tưởng thì đã phạm một tội. Tuy nhiên, Ma-thi-ơ 12:34-37 cũng nói rằng từ sự đầy dẫy trong tấm lòng, miệng mới nói ra. Vào ngày phán xét, chúng ta sẽ được xét là công chính hay tội lỗi dựa vào những lời mình đã nói ra. Điều này cho chúng ta thấy có sự khác biệt giữa lời nói và ý tưởng. Nếu không có lời nói thì vẫn có thể che đậy được. Nhưng nếu lời nói phát ra thì mọi sự đều bị phơi ra ánh sáng. Do đó, bất tuân ở trong lòng thì đỡ hơn là công khai mở miệng nói ra. Ngày nay, các Cơ Đốc Nhân mất đi quyền năng qua môi miệng của mình không thua gì so với việc họ mất quyền năng do các hành vi của họ. Thật ra, quyền năng bị mất nhiều hơn qua môi miệng. Tất cả những người nổi loạn đều bị lời nói của mình gây rắc rối. Vậy nên, nếu một người không thể tự kiềm chế trong lời nói thì người ấy không thể tự kiềm chế đối với bất cứ điều gì.
Đức Chúa Trời Khiển Trách Những Kẻ Nổi Loạn Bằng Những Lời Mạnh Mẽ Nhất
Một lần nữa, xin xem II Phi-e-rơ 2:12, câu ấy chép: “Nhưng họ giống như thú vật vô tri, theo tánh tự nhiên sanh ra để bị bắt và bị hủy diệt..” Đây là lời mạnh mẽ nhất trong Kinh Thánh. Không lời khiển trách nào nghiêm trọng hơn lời này. Tại sao Kinh Thánh khiển trách những người ấy là thú vật? Đó là vì những người ấy không có cảm nhận. Uy quyền là điều quan trọng nhất trong Kinh Thánh. Vậy, đối với Đức Chúa Trời, nhạo báng là điều nghiêm trọng nhất trong tất cả những tội lỗi. Môi miệng không thể nói năng một cách khinh suất. Ngay khi một người gặp Đức Chúa Trời thì môi miệng của người ấy sẽ bị kiềm chế và người ấy sợ nhạo báng những bậc tôn trọng. Một khi chúng ta gặp uy quyền thì trong chúng ta sẽ có một cảm nhận về uy quyền, cũng như một khi chúng ta gặp Chúa thì trong chúng ta có một cảm nhận về tội.
Các Nan Đề Trong Hội Thánh Thường Dấy Lên Từ Những Lời Nhạo Báng
Sự hiệp một và quyền năng của Hội Thánh bị phá vỡ do những lời nói bất cẩn của con người. Ngày nay, hầu hết những nan đề trong Hội Thánh đều bắt nguồn từ việc nói xấu. Chỉ một số ít phát xuất từ những vấn đề khó khăn thật sự. Hầu hết tội lỗi trên thế gian đều bắt nguồn từ những lời nói dối. Nếu những lời nói xấu được ngăn chặn trong Hội Thánh thì phần lớn những nan đề của chúng ta sẽ giảm bớt. Chúng ta cần ăn năn trước mặt Chúa và cầu xin Ngài tha thứ. Cần phải tận diệt sự nói xấu trong Hội Thánh. Từ một mạch suối không thể chảy ra hai loại nước. Từ một môi miệng không thể phát ra những lời yêu thương và những lời nhạo báng. Nguyện Đức Chúa Trời canh giữ môi miệng của chúng ta và không những môi miệng thôi, mà cũng canh giữ tấm lòng của chúng ta nữa để mọi lời nói và ý tưởng nhạo báng được ngăn chặn. Từ nay trở đi, nguyện sự nói xấu ra khỏi giữa vòng chúng ta.
CÁC LÝ LẼ
Những Lời Nhạo Báng Ra Từ Các Lý Lẽ
Sự nổi loạn của con người biểu hiện qua những lời nói, lý lẽ và ý tưởng. Nếu một người không biết uy quyền thì sẽ có những lời nhạo báng. Nhưng những lời ấy phát xuất từ các lý lẽ. Con người nói ra vì nghĩ rằng mình có lý do. Cham nghĩ rằng ông có lý do để nhạo báng Nô-ê vì Nô-ê trần truồng. Lời nói của Mi-ri-am về việc Môi-se thành hôn với một phụ nữ Ê-thi-ô-bi là một sự thật; bà có một lý do. Tuy nhiên, những người thuận phục uy quyền và sống dưới uy quyền thì không sống theo những lý lẽ của mình. Phe nhóm của Cô-rê và 250 người lãnh đạo nói rằng Môi-se và A-rôn không nên tự đặt mình trên những người khác vì toàn thể hội chúng đều thánh khiết và Giê-hô-va ở giữa vòng họ. Một lần nữa, có lý lẽ đằng sau sự nổi loạn của họ. Những lời nhạo báng thường phát xuất từ các lý lẽ. Đa-than và A-bi-ram còn có nhiều lý lẽ hơn nữa. Họ kết án Môi-se là không mang họ vào miền đất đượm sữa và mật, ông không cho họ những cánh đồng và vườn nho làm sản nghiệp, mà ngược lại họ vẫn ở trong đồng vắng. Họ buộc tội Môi-se đã che mắt họ và nói: “Ngươi toan khoét mắt của dân này ư?” (Dân số Ký 16:14). Điều này có nghĩa là cái nhìn của họ rất sáng suốt. Càng suy nghĩ, họ càng có thêm lý lẽ. Lý lẽ không thể chịu nổi sự suy nghĩ. Càng suy nghĩ, những lý lẽ càng bị khuấy động. Trong thế gian, mọi người đều sống theo các lý lẽ. Nếu chúng ta cũng sống theo các lý lẽ thì giữa chúng ta và người thế gian có gì khác biệt?
Được Giải Cứu Khỏi Những Lý Lẽ Để Bước Theo Chúa
Thật ra, chúng ta cần “móc mắt mình ra” và bước theo Chúa mà đừng lý luận. Cuộc sống của chúng ta dựa vào các lý lẽ hay uy quyền? Nhiều người trở thành đui mù khi họ được ánh sáng của Chúa đụng đến. Tuy họ có mắt, nhưng cũng như không có. Một khi ánh sáng đến thì mọi lý lẽ đều phải ra đi. Một khi Phao-lô được soi sáng trên đường đến Đa-mách thì ông thật sự trở nên mù. Từ đó ông không quan tâm đến lý lẽ (Công vụ 9:3, 8). Mắt của Môi-se không bị móc ra, nhưng ông giống như một người không có mắt. Ấy không phải là ông không có các lý lẽ; ông biết nhiều lý lẽ. Nhưng mọi lý lẽ đều ở dưới [chân] ông vì ông thuận phục Đức Chúa Trời. Những người thuận phục uy quyền không hành động theo thị giác. Một đầy tớ của Chúa phải đui mù. Người ấy phải được giải cứu khỏi một cuộc sống đầy lý lẽ. Lý luận trong lòng là nguyên nhân hàng đầu gây nên sự nổi loạn. Vậy nên, nếu chúng ta không xử lý các lý lẽ một cách triệt để, thì không thể nào ngăn chặn những lời nói [của mình]. Nếu chúng ta chưa được giải cứu khỏi các lý lẽ thì sớm muộn gì các lý lẽ ấy cũng sẽ tuôn ra trong những lời nhạo báng.
Thật khó được giải cứu khỏi một cuộc sống lý luận biết bao. Chúng ta là những hữu thể có lý trí. Làm sao chúng ta không lý luận với Đức Chúa Trời được? Đó là một điểm rất khó. Từ lúc còn trẻ chúng ta đã liên tục lý luận. Từ trước khi tin Chúa cho đến bây giờ, nguyên tắc cơ bản của cuộc sống chúng ta là lý luận. Bây giờ điều gì có thể làm cho chúng ta ngưng lại được? Đòi hỏi chúng ta làm như vậy thì cũng như đem sự sống xác thịt của chúng ta ra hành hình!
Có hai loại Cơ Đốc Nhân: một loại sống trên bình diện lý lẽ còn loại kia thì sống trên bình diện uy quyền. Chúng ta cần phải thuận phục ngay khi có một mạng lịnh. Chúng ta đang sống trên bình diện nào? Khi Đức Chúa Trời ban ra một mạng lịnh, chúng ta có suy xét một lúc và thuận phục khi có đủ lý lẽ và không thuận phục khi thiếu lý lẽ không? Đó là biểu hiện của cây kiến thức về thiện và ác. Trái của cây kiến thức về thiện và ác không chỉ làm cho chúng ta biện biệt những điều trong chính mình, mà còn làm cho chúng ta biện biệt những điều đã được Đức Chúa Trời thiết lập nữa. Tất cả những điều ấy đều đi qua các lý lẽ và sự phán đoán của chúng ta. Chúng ta có thể lý luận cho Đức Chúa Trời và thậm chí phán đoán cho Đức Chúa Trời, nhưng đó là nguyên tắc của Sa-tan. Sa-tan muốn được bình đẳng với Đức Chúa Trời.
Những người biết Đức Chúa Trời chỉ có sự thuận phục; đối với họ không có lý lẽ gì cả. Hai điều này không bao giờ trộn lẫn với nhau. Nếu một người muốn học biết sự thuận phục thì người ấy phải vứt bỏ những lý lẽ. Hoặc người ấy sống bởi uy quyền của Đức Chúa Trời hoặc sống bởi lý lẽ. Người ấy không thể có cả hai. Chúa Jêsus đã sống một cuộc đời trên đất hoàn toàn vượt trên các lý lẽ. Có lý lẽ nào cho việc Ngài bị lăng nhục, hành hạ và đóng đinh không? Dầu vậy, Ngài thuận phục dưới uy quyền của Đức Chúa Trời. Ngài không quan tâm đến bất cứ lý lẽ nào cả. Ngài chỉ chịu trách nhiệm về việc thuận phục. Ngài không cầu xin điều gì khác. Người sống dưới uy quyền đơn giản biết bao! Nhưng người sống theo lý lẽ phức tạp dường nào! Chim trời và hoa huệ ngoài đồng sống một cuộc sống đơn giản. Một người càng sống dưới uy quyền thì cuộc sống của người ấy sẽ càng trở nên đơn giản.
Đức Chúa Trời Không Bao Giờ Lý Luận
Trong Rô-ma chương 9, Phao-lô cố gắng chứng minh cho người Do-thái rằng Đức Chúa Trời cũng kêu gọi người Ngoại-bang nữa. Ông nói không phải tất cả dòng dõi của Áp-ra-ham đều được chọn; chỉ có Y-sác được chọn thôi. Và không phải tất cả dòng dõi của Y-sác đều được chọn; chỉ có Gia-cốp được chọn thôi. Đức Chúa Trời chọn chỉ một mình Gia-cốp. Vì mọi sự đều tùy thuộc vào sự tuyển chọn của Đức Chúa Trời thì Đức Chúa Trời không thể tuyển chọn người Ngoại-bang nữa sao? Đức Chúa Trời sẽ thương xót người nào Ngài thương xót và sẽ cảm thương người nào Ngài cảm thương. Nói về mặt con người thì Đức Chúa Trời yêu thương Gia-cốp quỉ quyệt, trong khi Ngài ghét Ê-sau thật thà. Ngài cũng làm cứng lòng Pha-ra-ôn. Vậy, Ngài không công bằng sao? Chúng ta phải nhận thức rằng Đức Chúa Trời ngồi trên ngai vinh hiển của Ngài và con người ở dưới uy quyền của Ngài. Chúng ta không gì khác hơn là những con người hèn mọn, không gì khác hơn bụi đất. Làm sao chúng ta có thể lý luận với Đức Chúa Trời?
Ngài là Đức Chúa Trời. Ngài có quyền làm mọi sự. Chúng ta không thể một mặt theo Chúa, trong khi mặt khác lại ép buộc Ngài lắng nghe lý lẽ của chúng ta. Nếu muốn hầu việc Ngài, chúng ta phải từ bỏ mọi lý lẽ. Mỗi một người đã gặp Chúa đều vứt bỏ mọi lý lẽ của mình. Chúng ta chỉ có thể đứng vào vị trí thuận phục. Chúng ta không thể đứng ở vị trí can thiệp, cố gắng hoạt động với tư cách là cố vấn của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời phán Ngài sẽ thương xót người nào Ngài thương xót (9:15). Chữ “sẽ” quí báu biết bao. Chúng ta phải thờ phượng Ngài vì điều ấy. Đức Chúa Trời hoàn toàn không lý luận. Đức Chúa Trời quyết định làm như vậy. Ngài thích làm như vậy. Ngài là Đức Chúa Trời vinh hiển.
Phao-lô tiếp tục nói rằng: “Vậy, điều ấy không phải do người nào mong muốn, cũng không phải do người nào xông xáo, mà là do Đức Chúa Trời bày tỏ sự thương xót” (c.16). Đức Chúa Trời nói với Pha-ra-ôn rằng: “Chính vì điều này, Ta đã dấy ngươi lên, để Ta có thể bày tỏ quyền năng Ta trong ngươi” (c. 17). Hơn nữa, Ngài phán rằng: “Ngài muốn làm cứng cỏi ai thì làm” (c. 18). Làm cứng cỏi không có nghĩa là làm cho phạm tội, mà có nghĩa là “bỏ mặc họ” như được ghi chép trong 1:26. Đến điểm này, Phao-lô lường trước là sẽ có thêm lý lẽ, chẳng hạn như: “Sao Ngài còn quở trách? Vì ai có thể chống lại ý chỉ của Ngài?” (9:19). Những lý lẽ như vậy rất hợp lý. Nhiều người sẽ đồng ý với họ. Phao-lô cũng biết rằng họ rất hợp lý và sáng suốt, nhưng ông hỏi ngược lại rằng: “Nhưng hỡi người kia, ngươi là ai mà dám hỏi ngược lại Đức Chúa Trời? Có thể nào vật được nắn lên nói với người nắn nên nó: Tại sao ông nắn nên tôi như thế này?” (c.20). Phao-lô không phản công lại những lý lẽ ấy, mà hỏi: “Ngươi là ai?” Phao-lô không hỏi những lời nói ấy thuộc loại gì, mà hỏi con người thuộc loại gì mà dám đối đáp chống lại Đức Chúa Trời. Khi Đức Chúa Trời vận dụng uy quyền của Ngài, thì Ngài không phải thảo luận với chúng ta. Ngài không cần sự đồng ý của chúng ta. Điều duy nhất mà Ngài đòi hỏi là chúng ta thuận phục Ngài. Hễ chúng ta nói: “Đây là công việc của Đức Chúa Trời” thì mọi sự đều sẽ ổn thỏa.
Con người liên tục cố gắng lý luận. Nhưng xin xét xem sự cứu rỗi của chúng ta có lý do gì ở đằng sau không. Tuyệt đối không có lý do gì để chúng ta được cứu cả. Chúng ta không mong muốn, cũng không bôn ba. Nhưng chúng ta đã được cứu. Đó là điều vô lý nhất. Nhưng Đức Chúa Trời sẽ thương xót người nào Ngài thương xót. Từ đất sét, người thợ gốm có thể làm ra bình này dùng vào việc sang trọng và bình kia dùng vào việc thấp hèn. Chỉ có vấn đề uy quyền chứ không có vấn đề lý lẽ. Đối với con người ngày nay, nan đề cơ bản là con người vẫn ở dưới nguyên tắc kiến thức về thiện và ác, tức nguyện tắc lý luận. Nếu Kinh Thánh lý luận để suy ra mọi sự thì việc chúng ta lý luận để suy ra mọi sự là chính đáng. Nhưng trong Rô-ma chương 9, Đức Chúa Trời mở ra một cánh cửa sổ đặc biệt từ trời để chiếu rọi trên chúng ta. Ngài không lý luận với chúng ta. Ngài chỉ hỏi: “Ngươi là ai?”
Nhìn Thấy Vinh Quang Của Đức Chúa Trời Chúng Ta Được Giải Cứu Khỏi Các Lý Lẽ
Giải cứu con người khỏi sự nói xấu thì không phải dễ. Nhưng giải cứu con người khỏi lý lẽ còn khó hơn nữa. Khi còn thanh niên, tôi luôn luôn bị những hành động vô lý của Đức Chúa Trời làm cho mình khó chịu. Về sau, khi đọc Rô-ma chương 9, ấy là lần đầu tiên tôi chạm đến uy quyền của Đức Chúa Trời. Tôi bắt đầu nhận thấy mình là ai. Tôi là tạo vật của Ngài. Trước mặt Ngài, những lời hợp lý nhất của tôi chỉ là sự bướng bỉnh. Đức Chúa Trời là Đấng vượt trổi trên tất cả thì không ai có thể đến gần được trong vinh quang của Ngài. Nếu chỉ thấy được một phần triệu vinh quang của Ngài thì chúng ta sẽ sấp mình xuống và vứt bỏ mọi lý lẽ của mình. Chỉ những người sống xa [Ngài] mới có thể kiêu ngạo và chỉ những người sống trong tình trạng tối tăm mới có thể hành động theo lý lẽ. Không ai trong cả thế giới có thể nhìn thấy chính mình bằng bó đuốc của chính mình. Chỉ khi nào Chúa ban cho chúng ta một ít ánh sáng và bày tỏ một ít vinh quang của Ngài cho chúng ta thì chúng ta mới sấp mình xuống như đã chết, y như sứ đồ Giăng (Khải Thị 1:16-17).
Nguyện Đức Chúa Trời thương xót chúng ta để chúng ta nhận thấy mình không xứng đáng và thấp hèn dường nào. Làm sao chúng ta dám tranh luận với Đức Chúa Trời? Khi nữ vương nam phương đến thăm viếng Sa-lô-môn và ông bày tỏ một ít vinh quang của mình cho bà, thì bà mất tinh thần. Nhưng có một Đấng vĩ đại hơn Sa-lô-môn. Có lý lẽ nào trong tôi mà tôi không thể buông bỏ không? A-đam phạm tội vì ông đã ăn trái của cây kiến thức về thiện và ác. Từ đó, lý lẽ đâm rễ sâu trong chính con người. Nhưng nếu Đức Chúa Trời chỉ bày tỏ một ít vinh quang của Ngài cho chúng ta thì chúng ta sẽ nhận thấy rằng mình không là gì khác hơn một con chó đã chết và một đống đất sét. Mọi lý lẽ của chúng ta sẽ biến đi trong vinh quang Ngài. Một người càng sống trong vinh quang thì người ấy càng ít lý luận. Nhưng, càng thấy một người lý luận, anh em càng biết người ấy chưa từng nhìn thấy vinh quang.
Trong những năm gần đây, tôi đã khám phá ra một điều, ấy là công việc của Đức Chúa Trời không bao giờ theo những lý lẽ. Cho dù không hiểu được Ngài đang làm gì, tôi vẫn phải thờ phượng Ngài vì tôi là đầy tớ của Ngài. Nếu tôi hiểu và nhận biết mọi sự Ngài làm thì tốt hơn tôi nên làm người ngồi trên ngai. Một khi tôi nhận thấy Ngài vượt trổi tôi, chỉ duy Ngài mới là Đấng Chí Cao và tôi cần phải sấp mình xuống đất, thì mọi lý lẽ sẽ đều biến mất trong tôi. Từ nay trở đi, chỉ duy uy quyền mới là sự thật chứ không phải các lý lẽ, những sự đúng sai. Những người biết Đức Chúa Trời chắc chắn cũng biết chính mình và khi một người biết chính mình thì mọi lý lẽ đều được cất đi.
Thuận phục là cách nhận biết Đức Chúa Trời. Người nào sống theo lý lẽ thì không biết Đức Chúa Trời. Chỉ những người sẵn lòng thuận phục uy quyền mới có thể thực sự biết Đức Chúa Trời. Mọi kiến thức về thiện và ác mà chúng ta đã thừa hưởng từ A-đam phải được cất đi. Khi ấy, sự thuận phục của chúng ta sẽ rất dễ dàng.
“Ta Là Giê-hô-va” Chính Là Lý Lẽ
Mỗi khi Chúa truyền cho dân Y-sơ-ra-ên làm điều gì đó trong Lê-vi Ký 18-20, Ngài xen nhóm chữ “Ta là Giê-hô-va” vào giữa các mạng lịnh. Thậm chí cũng không có chữ “vì”. Ta nói như vậy vì Ta là Giê-hô-va. Không cần lý lẽ nào khác. “Ta là Giê-hô-va” chính là lý lẽ. Nếu nhìn thấy điều này thì từ nay trở đi chúng ta sẽ không còn sống bởi lý lẽ. Chúng ta phải thưa với Đức Chúa Trời: “Trước kia con sống bởi những ý tưởng và lý lẽ của mình. Hôm nay con sấp mình xuống thờ phượng Ngài. Hễ điều đó thuộc về Ngài thì đối với con cũng là đủ rồi. Con sẽ thờ phượng Ngài”. Khi Phao-lô bị đánh ngã trên đường đến Đa-mách, mọi lý lẽ đều biến mất trong ông. Một khi ánh sáng chiếu vào thì con người ngã xuống. Lời đầu tiên được thốt ra từ miệng Phao-lô là: “Thưa Chúa, tôi phải làm chi?” (Công vụ 22:10). Lập tức, ông vâng phục. Những ai biết Đức Chúa Trời đều không lý luận. Khi ánh sáng xét đoán, thì lý lẽ biến mất.
Con người mà lý luận với Đức Chúa Trời thì cũng như nói rằng công việc của Đức Chúa Trời phải được chúng ta đồng ý. Đó là ý tưởng của người ngu dại nhất. Đức Chúa Trời không phải cho chúng ta biết lý do về bất cứ điều gì Ngài làm. Đường lối của Đức Chúa Trời cao hơn đường lối của chúng ta. Nếu chúng ta kéo Đức Chúa Trời xuống trình độ lý trí thì chúng ta không có Đức Chúa Trời nữa, vì Ngài sẽ không khác gì chúng ta. Nếu chúng ta lý luận thì không còn thờ phượng nữa. Khi sự thuận phục ra đi, thì sự thiếu thờ phượng nối gót. Khi điều ấy xảy ra thì bản ngã trở nên quan tòa của Đức Chúa Trời và thậm chí trở nên Đức Chúa Trời. Vậy, sự khác biệt giữa đất sét và người thợ gốm là gì? Người thợ gốm có cần xin phép đất sét để được làm gì không? Nguyện vinh quang của Đức Chúa Trời được bày tỏ để tất cả những lý lẽ của chúng ta đều dừng lại.