Vĩnh Biệt Tối Tăm

Share

Sống hơn nửa cuộc đời mà chẳng thấy một ngày vui, chị nhìn tuổi mình đi qua, tiền bạc đi qua, sức lực đi qua… chỉ còn lại thân thể cứ dần mòn khô héo bởi muôn gánh nặng.

Có tiếng bước chân lên cầu thang. Một gương mặt trắng trẻo với mái tóc dài uốn xoăn trẻ trung nhìn tôi cười chào… một thoáng quen quen, tôi cố nhớ…. rồi kinh ngạc thốt lên:

– " Chèn ơi ! Chị Thế phải không?…Chèn ơi ! Thật không thể tin được…"

Nỗi vui mừng lẫn kinh ngạc ập đến khiến tôi không biết nói gì khác ngoài chữ :" Chèn ơi…"

Tôi từng có những cuộc hội ngộ sau mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm… Còn đây chỉ chưa đầy bốn năm, nhưng lại là cuộc hội ngộ làm tôi nhạc nhiên hơn cả!

Tôi còn nhớ ngày chị mới tin Chúa. Trong dáng vẻ gầy còm của một người vừa trải qua cơn bão lớn của cuộc đời. Đứng cách tôi một sải tay, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt sạm xanh nắng gió lẫn buồn khổ. Chị kể lại đời mình trong tiếng thổn thức và cứ để mặc những dòng nước mắt lăn dài xuống cằm, xuống cổ, loang từng vệt trên chiếc áo sẫm màu. Hình ảnh đó tôi không thể nào quên!

Vậy mà giờ đây, cũng người phụ nữ đó, ngồi đối diện tôi… Thật tươi tắn, tự tin và khỏe mạnh….

Tôi thực lòng hỏi: " Làm thế nào mà chị thay đổi đến vậy?".

Vuốt gọn mái tóc xoăn rồi vấn lên sau gáy, chị bắt đầu kể về cuộc đời mình:

Là dân Hà Thành, chị sinh ra và lớn lên ở phố Mã Mây. Gia đình thừa tiền lắm bạc vì mẹ buôn thuốc phiện. Vỗ vào chiếc đệm đang ngồi chị nói: " Ngày xưa tôi ngủ trên tiền chứ không phải trên đệm thế này."

Lấy chồng năm mười bảy tuổi, chị có liền trong tay những thứ mà nhiều cặp vợ chồng khác phải cực nhọc tích cóp nhiều năm –  Chị có nhà, có xe, có cả vốn liếng…cuộc sống dường như thật dễ dàng. Thế nhưng, hạnh phúc lại là một điều gì đó thật xa xôi. Rõ là tiền chẳng mua được hạnh phúc! Vợ chồng đã trải qua những ngày cơm không lành canh không ngọt, rồi chỉ chưa đầy nửa  năm sau ngày cưới, chồng chị bị đi tù ba năm vì những xung đột với anh chị em trong gia đình. Chị sanh con trai đầu lòng mà chẳng hiểu tình yêu là gì(?)

Bản thân chị làm nghề " Đồng bóng", người ta gọi là: " Kế kế công khanh", tức là hầu đồng từ đời bà sở, bà sơ đến bà cố, bà ngoại, đến mẹ rồi cứ thế tiếp nối đến đời của chị. Nhẩm tính  rồi chị nói: " Nhà chúng tôi hầu đồng đến bảy đời rồi cô ạ!"(Giờ thì tôi đã hiểu, cái lần đầu tiên gặp gỡ chị, nét u tối còn in rõ trong đôi mắt, đôi môi và cả  dáng vóc gầy còm… cái cảm giác gai gai trên da…tôi không thể nào diễn tả.)

Tò mò tôi hỏi: "Em chỉ nghe nói "ngồi đồng" chứ chẳng biết nó như thế nào? cCị kể em nghe đi!"

Chị cười rồi nói: "Ngồi như thế này này… rồi có một cái khăn phủ diện trùm lên đầu, nào là  có ba mươi sáu giá, ông Mười, ông Hoàng, cô Bơ, cô Bảy… mỗi giá một loại khăn áo khác nhau…". Rồi nhìn vào khoảng không,  chị mơ màng nhớ lại.., ngày trước nhà chị là "Chủ nhang đồng đền", người khác thì mỗi năm chỉ có bốn vấn đồng (Đầu năm, cuối năm, đầu hè, ra hè), nhưng chị thì khác, khách của chị đông lắm, đếm không hết. Người ta tìm đến chị nhờ ngồi đồng để giải quyết ốm đau, bệnh hoạn, để tìm của bị mất, rồi làm nhà, cưới hỏi, ghen tuông…cái gì cũng ngồi đồng. Chị được mệnh danh là Đồng tư sản, vì những buổi hầu đồng vài trăm triệu đối với chị là chuyện bình thường. Thế nhưng, khổ vẫn hoàn khổ! Cái nghề xem vía, gọi hồn, bắt vía sống… tiền chảy vào rồi lại chảy ra bằng đủ mọi cách! Đến nỗi chị chua chát nghĩ: chồng con chẳng được một miếng ngon, mà mình cũng chẳng được manh áo đẹp, gia đình thì rối bời….

Khi cái thế giới tối tăm bao trùm, chị như một tên nô lệ. Hễ muốn được thạnh lợi làm ăn thì dốc tiền ra mà hầu, mà cúng, mà bái…Nhưng chỉ được vài tháng "đâu lại vào đấy"…Lại dốc tiền ra, lại cúng, lại bái…..quẩn quanh chẳng thấy được một ngày thanh thản. Đã vậy, càng ngụp lặn trong cái thế giới đó, quyền lực tối tăm khiến chị càng trở nên hung dữ và tàn nhẫn. Những ngày ấy, từ trong nhà ra ngoài ngõ, ai ai cũng phải sợ! Chị đã từng chém chồng rách ba lớp áo dầy, đá con cắm đầu vào tường phun máu… Người cậy thế chạm vào thì chị giật tung quần la lớn giữa chốn đông người.. cái thế lực trong chị thật là ghê gớm….

Sống hơn nửa cuộc đời mà chẳng thấy một ngày vui. Chị nhìn tuổi mình đi qua, tiền bạc đi qua, sức lực đi qua.. chỉ còn lại thân thể cứ dần mòn khô héo bởi muôn gánh nặng. Chị phải nương nhờ gánh bún đậu để nuôi gia đình. Lắm lúc nghĩ cuộc đời sao mà khổ thế! Mình ngồi đồng xem vía để bắt ghen cho thiên hạ mà chồng mình thì tằng tịu, dang díu… Mình ngồi đồng vấn an cho thiên hạ mà con mình phải lạnh lẽo trong trại cai nghiện. Mình ngồi đồng chữa bệnh cho người mà bệnh trong mình chẳng biết kêu ai… Thật là tuyệt vọng!

Rồi một ngày nọ, có một người phụ nữ dáng vóc nhỏ bé, gương mặt hiền lành đến hàng chị ăn bún đậu. Cô ta bắt chuyện, giọng miền Nam và nói về Chúa. Thoạt đầu, vì lịch sự chị nghe nhưng trong lòng chẳng muốn. Sau, không còn kiên nhẫn chị nói thẳng: "Tôi là người đồng bóng, nhà tôi có điện thờ cô ạ!" Với tất cả kiêu ngạo trong lòng chị tự nghĩ: mình có trong tay hàng đống đệ tử, nhà thì bảy đời đồng bóng,  sao lại phải nghe con mẹ miền Nam chẳng quen biết nói về Chúa (?). Nhưng sau đó vì mối quan hệ khách hàng, chị cũng đưa tay nhận một quyển sách nhỏ và một cuốn Kinh Thánh.

Mỗi một ngày trôi qua, đôi vai nặng trĩu gánh gia đình. Ngoài đứa con nghiện ngập, chi còn phải nuôi bố, hai đứa em – một trai, một gái ở trong tù, rồi thêm các cháu, con, dâu…Một gánh bún đậu nuôi cả mười miệng ăn.

Nhưng cái khổ nào bằng ngày chị hay tin đứa con trai nghiện ngập của mình đang ở trong trại đã nhiễm HIV. Ngày ấy, đi giữa trời mưa chị đấm ngực kêu rằng:"Hỡi trời cao đất dày, nếu có một Đấng nào cứu con của con, con nguyện thờ Đấng ấy cho đến chết".

Đêm ấy, ngổn ngang những lo lắng, buồn khổ. Nhớ lại lời của người phụ nữ miền Nam hôm nọ, chị lấy quyển Kinh Thánh được tặng ra đọc rồi thầm nghĩ: đây là hy vọng cuối cùng. Chồng chị đang ngồi bên cạnh, như sực  nhớ ra chỉ vào cuốn Kinh Thánh rồi nói: "Trong ấy, có kể một người chết bốn ngày mà Chúa Giê-xu còn làm cho sống lại đấy!". Suy nghĩ rồi anh bảo:"Địa chỉ của cô ta đâu? Gọi để người ta cầu nguyện cho con mình! "(Vì chồng chị có thời gian đi hợp tác lao động ở Ba-lan có lần đã nghe về Chúa.) Như người đuối giữa dòng vớ được phao, chị lục tìm số điện thoại và gọi ngay cho người phụ nữ ấy vào lúc mười một giờ đêm. Sau đó là bắt đầu chờ đợi….

Buổi tối đến, chị ngồi xếp bằng và mở quyển Kinh Thánh ra đọc. Đang khi cúi đầu chăm chú, bỗng dưng chị thấy dường như có một bàn tay ai đó vén cái khăn trùm đầu ra khỏi mặt (dù lúc ấy chị không trùm khăn). Rồi một luồng sáng soi ngay vào trang Kinh Thánh, sáng đến nỗi chị không cần dùng mắt kiếng. Chị biết đang có một điều gì đó thật lạ đang diễn ra quanh mình. Lật từng trang chăm chú, rồi chị đọc đến câu:"Ở giữa ngươi… chớ nên có thầy bói, hoặc kẻ hay xem sao mà bói, thầy phù thủy, thầy pháp, kẻ hay dùng ếm chú, người đi hỏi đồng cốt, kẻ thuật số hay là kẻ đi cầu vong. Vì Đức Giê-hô-va lấy làm gớm ghiếc kẻ làm các việc ấy…". Phục truyền 118: 10-12. Chị lặng người, nỗi sợ hãi bắt đầu xâm chiếm…Đóng vội quyển Kinh Thánh lại nhưng những lời đó cứ văng vẳng trong chị như một bản án tử hình! Chị trông mau đến ngày hẹn để gặp lại người phụ nữ đã nói cho chị nghe về Chúa.

Rồi ngày ấy đến, dù đã hẹn năm giờ nhưng mới ba giờ rưỡi là chị đã dọn dẹp xong hàng quán, rồi cùng chồng con ngồi chờ đợi.

Đó là ngày 8/11/2005, ngày chị bằng lòng tiếp nhận Chúa, ngày mà con người đanh đá, chai lì và cứng rắn trong chị bị đập tan. Ngày mà chị biết "bản tử hình đời đời" không còn hiệu lực trên cuộc đời mình nữa. Những giọt nước mắt tưởng như đã khô giờ đây rơi xuống khi chị được nghe những lời cầu nguyện đơn sơ mà chân thành. Chị cảm nhận tình yêu của Chúa và tấm lòng quan tâm sâu sắc từ con người xa lạ này. Cả cuộc đời, chưa một ai bày tỏ tình yêu với chị theo cách ấy!

Từ ngày tiếp nhận Chúa, chị cảm thấy niềm an ủi cùng sự ấm áp khi đến với những con cái Chúa trong Hội Thánh. Chị đọc Kinh Thánh và thường điền tên mình, tên con vào những câu nào mà chị thấy thích. Ngày ấy, chị chẳng biết nhiều về Chúa nhưng lại có một sự trông cậy mãnh liệt vào Ngài. Chị bắt đầu cầu nguyện cho những người bạn thân của mình  với ao ước họ cũng được nhận biết Chúa.

Chẳng bao lâu sau ngày chị tin Chúa, trại gọi lên để trả con trai về vì nó đang trong tình trạng nguy kịch chờ chết. Việc đầu tiên là chị đem con về, nhờ Hội Thánh cầu nguyện cho con được tiếp nhận Chúa. Sau đó đưa con vào viện nhưng ai cũng biết ở giai đoạn cuối của căn bệnh HIV thì còn làm gì được(?) Một ngày sau, bệnh viện trả con về. Lòng tan nát chị nhìn con mình nằm chờ chết, hình hài như một bộ xương khô, không còn ăn uống, không thể truyền dịch mà luôn phải gồng mình vì những cơn ho dữ dội. Người thân trong gia đình đi lo khăn liệm, mua đất, đào hố để chuẩn bị chôn…..Thế nhưng, với tấm lòng của người mẹ, chị thưa với Chúa trong nước mắt: "Đức Giê-hô-va ôi! Xin ban mọt giọt sự sống cho con của con!". Buổi tối đó là nhũng giờ phút mà chị biết rằng sự sống đang lìa khỏi đứa con trai mình, nó nằm mê man, hơi thở yếu ớt, thân thể lạnh ngắt….

Khi nghe tin con trai chị sắp chết, người phụ nữ giúp chị tin nhận Chúa đã đến và đặt tay trên trán con chị cầu nguyện. Từ lúc trời sập tối cho đến khuya, bên cạnh thân thể lạnh ngắt, bất động….cô ta khẩn thiết với Chúa. Thời gian trôi qua, không biết bao lâu nhưng điều rõ ràng có thể nhận thấy là cái thân thể lạnh ngắt ấy bắt đầu ấm lại, mồ hôi trán vã ra như một dấu hiệu của sự sống.

Giữa khuya đêm đó, khi đang ở trên lầu, chị nghe tiếng kêu rõ to: "Mẹ ơi! Mẹ ơi!", lòng chị hoang mang thầm nghĩ: có lẽ sắp chết… hay sao mà nó kêu lên như thế(?). Chạy vội lên, chị vô cùng kinh ngạc khi thấy tấm thân như xác chết của con chị đã tự ngồi dậy. Sửng sốt lẫn vui mừng khôn tả, chị  nghe con hỏi:

– "Có gì ăn không mẹ? Con đói bụng quá!"

Rồi trước sự ngạc nhiên của gia đình, Long – đứa con chỉ nhắp nước từ bao tháng nay, tưởng đã chết, giờ đang ngồi ăn một tô cơm lớn như bù lại bao ngày nằm liệt giường. Sau đó, cháu đứng lên tự dọn chén bát rồi làm vệ sinh…Chị đứng nhìn mà không biết phải làm gì ngoài việc lẩm nhẩm… " Ôi … Lạ lùng, cám ơn Chúa, Ngài giỏi thật !!! "

Kể từ ngày ấy, con chị được các bạn trong Hội Thánh đặt tên là La-xa-rơ. "Một giọt sự sống" mà chị nài xin Chúa trong đêm đó, Ngài đã nhậm lời. Con trai chị thay vì ra đi đêm hôm đó, nó đã sống thêm được hơn hai năm rưỡi (Từ 21/12/2005 đến 29/06/2008),  được học lời Chúa ở Trung Tâm Giải Cứu Cơ Đốc  và đi làm chứng về Chúa cho những con nghiện khác. Chị đã có những giây phút thật hạnh phúc bên con.

Ngày mà đứa con trai chị về với Chúa, dù buồn nhưng lòng chị bình an. Chị đặt đức tin trọn vẹn nơi Chúa để vượt qua biết bao thử thách trong đời sống. Những lúc bệnh tật ngặt nghèo, chị lại kinh nghiệm sự chữa lành cùng sự chu cấp từ Chúa. Khi gặp bắt bớ thì Chúa là Đấng bênh vực chị. Khi đau buồn thì Chúa là Đấng an ủi. Rưng rưng nước mắt chị nói: "Tôi kinh nghiệm sự tốt lành của Chúa mỗi ngày". Rồi với nụ cười rạng rỡ, sung sướng chị kể: Từ ngày chị mất một đứa con thì Chúa lại đem đến cho chị nhiều đứa con khác. Đó là những thanh niên trong Hội Thánh… "Chúng nó gọi tôi là Mẹ!" Chị nói giọng đầy hạnh phúc.

Ngày trước, bao người bên cạnh nhưng chưa bao giờ chị nghe được một lời yêu thương. Bây giờ, chị sung sướng vì được sống giữa yêu thương. Chị luôn khao khát được học lời Chúa để trở nên ích lợi cho Ngài. Chị cũng chẳng ngại ngần nói về Chúa cho những bạn bè đồng cốt rằng: 

– "Trước kia tôi lạy chín phương trời…còn bây giờ tôi thờ thẳng Ông Trời luôn!"

Tiếng cười  của chị giòn giã và thanh thản đến lạ. Chúa đã thay đổi đời sống, để hôm nay chị có thể vui mừng nói rằng:" Nhưng tôi nay là người thế nào là nhờ ơn Đức Chúa Trời và ơn Ngài ban cho tôi cũng không phải là uổng vậy "  I CôRinhTô 15:10.

Bên ngoài trời đã khuya, tôi nhìn chị và mường tượng về hình ảnh của một " Bà đồng" cách đây 5 năm. Làm sao đủ lời để tạ ơn Chúa!

ĐÌNH TRÂN

 

(Nguồn: Hạt Muối – Số 5, 4/2010)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan