Phần Ba
BẮT ĐẦU CUỘC SỐNG LƯU VONG
Bắt đầu cuộc đời tị nạn với những ngày trên tàu Pháp.
Đây là những ngày phước hạnh nhất của tôi sau khi được Chúa cứu sống trên giường bệnh và trên chiếc tàu nhỏ vượt biên, nơi nhờ những lời cầu nguyện được Chúa nhậm mà tôi có được uy tín với mọi người. Mọi người đều muốn tôi lãnh đạo, hướng dẫn họ. Phần tôi thì chỉ vì muốn tạ ơn Chúa đã cho mình cơ hội làm lại cuộc đời nên sẵn sàng hy sinh không tính toán.
Mỗi ngày tôi làm việc với hải hành đoàn để lãnh đồ ăn, nấu nướng, rồi phân phát cho từng người. Xong rồi thì giúp phiên dịch trong phòng mạch bác sĩ.
Lúc này mới thấy xảy ra nhiều nan đề. Những người đã từng làm việc, có chức vụ ở chế độ Miền Nam, họ đã thật sự nản lòng và sống trong sợ hãi. Được cứu lên rồi, nhưng sự bất an khiến họ không còn muốn làm gì, hoặc cũng không còn đầu óc để làm gì.
Còn những người khác thì do ít học, văn hóa thấp, họ cư xử rất ư tệ hại. Đồ ăn trên tàu rất khan hiếm, vì phải trôi lênh đênh trên biển nhiều ngày, thứ nhất để tìm xem còn tàu vượt biển nào khác nữa không, thứ hai là để ban điều hành xin được giấy chấp thuận của Chính quyền Pháp, hầu có thể đem những người họ vớt vào trại tị nạn.
Chúng tôi nào biết gì. Cứ sống như vậy, ai lo được gì thì lo, ai không lo thì cứ ngồi đó mà ngắm biển và ưu tư cho đời sống mình, một số khác thì vì say sóng, phải nằm lụi dưới hầm tàu. Mỗi ngày, sau khi giúp phiên dịch trong phòng bệnh, sáng và chiều tôi phải mang thuốc của bác sĩ đến thăm từng người bệnh dưới hầm tàu.
Một hôm, người ta đến tìm tôi, bảo là không có giấy trong toilet. Tôi đi xin, thì người phụ trách bảo là họ vừa mới bỏ vào mỗi phòng toilet mấy cuộn giấy rồi. Thật xấu hổ, tôi đi tìm, thì mới hay là mấy chị em mình lấy để dùng cho việc phụ nữ. Biết làm sao giờ, tôi đành đến cầu cứu với bà Bạch Tuyết, vợ của Thuyền trưởng François. Bà hiểu nên đưa cho tôi mấy gói băng vệ sinh để phát cho các chị em, rồi thu gom lại giấy vệ sinh. Thú thật, khi tôi nhận những gói hàng đó, tôi không tin là nó dùng cho việc này. Nó quá tốt: thơm tho, sạch, gọn, mỏng nhẹ, không thể nào tin được. Thật đáng thương khi chúng ta bị ở lâu trong một xã hội lạc hậu, nghèo nàn.
Có những hôm bao nhiêu thùng rác đều đầy tràn những đồ ăn thừa bị đổ đi, trong khi có một số người thì chưa được lãnh phần ăn. Người Pháp nhìn những đồ ăn bị bỏ đi một cách vô ý thức như vậy, họ rất bực. Phát hiện ra thì họ mới biết: một số người tham ăn, lấy tên giả để lấy thêm phần ăn, trong khi người khác thì bị thiếu. Những người bị say sóng không ăn được, thay vì để phần ăn lại cho người khác, thì đem đi đổ….
Bao nhiêu là nan đề giữa người mình với nhau. Một số ông thất chí, thì cứ ngồi ì ra đó chẳng làm gì có ích cả, ngoài việc trách cứ và chán nản. Tôi phải cử người đi dọn cầu tiêu, làm vệ sinh, nấu ăn, phân chia công việc giúp người mình với nhau và giúp hải hành đoàn.
Chỉ mới bấy nhiêu thôi mà không quản nổi, lên thêm vài trăm người thì quản làm sao. Tôi đành ra tay mạnh, bất đắc dĩ làm nữ tướng Bùi Thị Xuân thôi, phải ra lệnh mới thành công. Sẵn có giọng rất to, tôi phải hét vào tai họ cho họ phải động đậy chân tay. Không dễ chút nào, nhưng cũng đạt được phần nào kết quả. Chính họ sau này đã biết ơn tôi khi giúp họ thức tỉnh.
Mỗi ngày những người lãnh đạo trên tàu đến giúp chúng tôi làm sẵn hồ sơ. Nhiều người không chịu đến Pháp, họ cho Pháp nghèo. Nói mà xấu hổ. Nếu không được họ vớt thì đã chết trên biển rồi. Vậy mà họ vẫn cứ khăng khăng không chịu làm hồ sơ.
Tôi thương người Pháp khi họ thật kiên trì và yêu thương. Họ cố gắng khuyên dỗ, để mọi người chấp nhận có hồ sơ sẵn hầu cho tàu có thể cập bến đảo Palawan Philippine, nơi có trại tị nạn ở đó. Cuối cùng, sau gần ba tuần lênh đênh trên biển, tất cả được cập bến bình an, với sự hỗ trợ đặc biệt của tàu Pháp. Chúng tôi đến trại với danh nghĩa ở tạm để hoàn thành hồ sơ bệnh lý, và chờ ngày có vé máy bay để sang Pháp.
Thật là một may mắn cho mỗi người chúng tôi. Cảm ơn những người Pháp và một số bác sĩ Việt nam đã hy sinh ngày phép, làm thiện nguyện trên tàu cứu giúp chúng tôi.
(ĐÓN XEM PHẦN 4)