Từ Vực Sâu Lên Chốn Cao – Phần Bốn

Share

Phần Bốn

CUỘC SỐNG TRÊN ĐẢO

Năm tháng tôi ở trại tị nạn Palawan, Philippines. Tôi nói để thấy sự biến đổi diệu kỳ mà Chúa đã thực hiện trên đời sống tôi chỉ trong thời gian ngắn.

   Vài tháng trước đó thôi, tôi liệt nửa người, buồn chán đến uống thuốc tự tử, được Chúa cứu sống, để giờ đây, cũng cùng thân thể đó, tôi được tái sinh và hoạt động thế này đây. Nhiệt huyết từ Chúa chảy tràn trong tôi, thân thể bằng đất khó có thể chứa quyền năng siêu nhiên của Chúa trong thụ động. Đó là điều tôi muốn nói.

   Thời gian ở trên tàu tôi đã được nhiều người biết đến, nên khi vào trại tị nạn, khó mà giữ yên lặng trước sự tin cậy của hơn 300 người. Tôi lại xông pha đây đó: Đi chỗ này chỗ kia, làm việc này việc nọ….không ngừng nghỉ. Những điều tệ hại cũng đến mà không làm sao thoát được. Ngậm đắng, nuốt cay kêu gào lên Chúa! Và Chúa đã có những sự bảo vệ siêu nhiên mà tôi hoàn toàn không hay biết gì, mãi cho đến một thời gian sau đó tôi mới hay biết. Tạ ơn Chúa vô cùng.

   Đó là lúc tôi ở trong căn nhà nhỏ của trại, khoảng 16m2, chứa khoảng 10 người, nam nữ lẫn lộn. Lúc vào nhận nhà tôi đã thấy choáng rồi. Phòng tắm, chỗ đi vệ sinh đều sử dụng chung. Nước, thức ăn phải đi lãnh rồi về tự nấu…Lúc đầu, tôi không nghĩ nhiều đến hiểm nguy, cứ nghĩ rằng người ta sẽ tôn trọng mình.Một số thanh niên cứ vây lấy tôi, mời cái này, hướng dẫn cái kia. Có lúc họ dẫn tôi ra bãi biển chơi, tôi cũng vô tư đi theo, nhưng lại có việc gì đó việc gì đó cắt ngang khiến tôi không đi được.

   Tối đến, mới là thời gian kinh khủng: đang ngủ, bỗng dưng có cảm giác ai đó đến gần, bắt đầu sờ mó…bị họ bịt kín miệng, không la lên được. Cảm giác bị hiếp khiến tôi như đông cứng. Cũng may chúng chỉ dừng ở đó. Làm sao đây? Tôi kêu vang lên Chúa cho qua đêm. Ban ngày nào biết ai đã làm chuyện đó đâu mà tố cáo. Cũng có những phụ nữ khác, nhưng nhìn mặt họ chẳng thấy có biểu hiện gì. Xấu hổ quá mà chẳng biết làm sao để giải quyết. Tôi đi mãi bên ngoài, hoạt động tối đa ở nhà thờ và lớp học. Khủng khiếp khi tối đến. Làm sao để thoát khỏi “lũ chó săn” đó đây. Tôi ngồi khum trên giường với chị bạn để tránh ngủ, nhưng cũng bị thiếp đi. Qua đêm nào là mừng đêm đó. Tôi xấu hổ nhưng chẳng dám hỏi ai, vì ai cũng tin tưởng nơi tôi. Không biết có ai đồng cảm với nỗi khổ của tôi không?

   Rồi một hôm Chúa nhậm lời cầu nguyện của tôi. Ông Jantop, cao ủy trưởng bỗng dưng gọi tôi đến, ông dẫn tôi đến một gian phòng to, đối diện với văn phòng Cao Ủy.

   Đó là một gian phòng mà ông đã dựng lên với ao ước mở một cửa hàng để nhiều người có thể buôn bán, sinh sống, cũng như làm đồ biểu tượng của trại. Ông bảo từ ngày xây lên đến giờ, không ai chịu nhận cả. Ông bảo nếu tôi chấp nhận thì ông sẽ cho tôi mọi ưu tiên, có phòng tắm, chỗ vệ sinh riêng, ở một mình tại đây, không phải chung chạ với người khác nữa.

   Ôi thôi, còn gì tốt hơn. Tôi chụp lấy cơ hội ngay, hầu thoát khỏi bọn kinh tởm kia. Thế là Cửa hàng Handicraft (làm đồ thủ công) được khai trương. Tôi kêu gọi những cô gái biết nghề nghiệp như chằm nón, thêu, đan, may, làm tóc, làm móng tay …đến hợp tác. Tiền lương là từ đó ra. Tôi dạy họ tiếng Anh về giao tiếp khách quốc tế đến thăm trại. Vậy mà cửa hàng luôn tấp nập, chính tôi cũng học được nghề cắt móng tay, cách cầm kềm…

   Nói thật, khi vào đó rồi tôi chẳng khác gì bà hoàng. Đi dạy học và phiên dịch, tôi có lương của Cao Ủy để được ăn tại nhà hàng của trại, không cần phải nấu cơm, rửa chén gì cả. (Có một bí mật: đó là tôi thích ăn cơm cháy, nên những chị em làm việc ở đây gọi tôi là Cô cơm cháy).

   Những ngày hanh thông lại đến. Tôi nói tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt, nhưng buồn thay là tôi chưa nói được tiếng Pháp. Chỉ vài tháng nữa thôi, tôi phải sang Pháp mà bập bẹ chỉ vài tiếng Merci, Bonjour thôi. Vào lớp học tiếng Pháp thì chưa nóng đít đã bị gọi đi chỗ khác rồi. Tuy vậy, niềm vui được phục vụ khiến tôi không tính toán, tới đâu hay tới đó.

   Trong thời gian này, tôi như trở lại thời mới về trường Bùi Thị Xuân để dạy học. Bao nhiêu là ong lượn chung quanh. Tôi không nghĩ đến chuyện gì, vì tương lai còn vô định mà. Tuy vậy, là con gái, ai mà không rung động khi đủ mọi thể loại thơ và thư từ cứ đến chứ. Đủ mọi thể loại, thơ và thư từ đến, đến và đến.

   Có bài thơ ngắn của một người mà tôi vẫn còn nhớ như in, vì của người mà tôi quý mến vô cùng, không thể ngờ là người ấy lại yêu mình.  Bây giờ, hơn 30 năm sau vẫn còn chút rung động:

“Một trăm bàn tay kia,

Với ngàn đôi mắt nọ,

Sao chỉ nụ cười này,

Xao xuyến trái tim anh?”

   Nhưng tương lai còn mãi đâu đâu, tôi đành khép kín trái tim mình, không dám yêu bậy bạ. Khổ một điều, không yêu, không chọn thì ong càng nhiều. Giữ được mình trong hoàn cảnh đó thật không dễ. Tạ ơn Chúa, Ngài không bao giờ bỏ tôi một mình giữa hiểm nguy. Lúc nào Chúa cũng có cách cứu ra.

   Rồi ngày rời trại cũng đến. Đã bao cuộc tiễn đưa những anh chị em trong Hội thánh và trong trại đi định cư, nhưng đến ngày của mình thật không muốn chút nào. Tôi sợ nước Pháp, vì không quen ai ở đó cả. Biết tên ông bà Mục sư Giáo sĩ Trương Văn Tốt, nhưng tôi gửi thư đi, mà không nhận được hồi âm của ông bà. Tôi thật sự không muốn rời trại chút nào. Ở đây tôi đang được sống, được ích lợi, được phục vụ mà…

   Ngày lên đường, nhiều người trong Hội thánh đi tiễn đưa. Hành lý vỏn vẹn chỉ một túi xách tay nhỏ khoảng 5kg, vậy thôi. Hành trang vào Pháp đó. Ngày 08/11/1988, tôi rời Palawan trong tiếc nhớ không nguôi!

   Máy bay từ Phi sang Pháp là chuyến bay đưa tôi lên cao nhất để chuẩn bị cho tôi đáp xuống, rồi đưa đi xuống nơi thấp nhất một lần nữa. Air France quả là tuyệt vời, những tiếp viên hàng không rất đẹp và giọng họ nói như đang hát, sao mà hay quá vậy.

   Sáng thứ tư ngày 09/11/1988, đến phi trường Charles De Gaulle hoành tráng, với nhiệt độ âm lạnh buốt. Cả đoàn khoảng hơn 20 người xếp hàng chờ đến lượt mình làm thủ tục, rồi xe đưa về một trung tâm hành chính ở Créteil để ở tạm trước khi được phân chia về các khu tập thể ở tỉnh để học hòa nhập văn hóa.

   Trên đường về, thấy tuyết trắng xóa trên đường đẹp tuyệt. Trong khu hành chánh có rất nhiều sắc dân khác. Những em bé Trung Đông mắt to tròn xoe, đen láy, đẹp làm sao. Chúng tôi được ban xã hội phát cho mỗi người một vài bộ đồ mùa đông, và một áo khoác. Họ rất tốt và tế nhị.

   Rồi nhiều người Việt đến trước tôi, hoặc đã định cư ở Paris vài năm trước, ào ạt đến thăm chúng tôi. Họ nói bập bẹ vài tiếng Pháp vậy mà tôi rất phục, vì tôi chỉ có vài từ trên đầu ngón tay. Tối đó, một anh bạn (người đến Pháp trước tôi 3 tháng) đến thăm tôi.

   Anh có người quen ở Paris nên không bị về tỉnh. Tôi có nhờ anh đưa hộ thư tôi đến ông bà Mục Sư Trương Văn Tốt, nhưng ông bà không trả lời tôi. Tôi tưởng ông bà đã về Mỹ, nhưng không ngờ ông bà vẫn còn ở Paris. Anh ta liền dẫn tôi đến nhà ông bà ở Quận 13.

   Vừa đến nơi khu chung cư ông bà ở, thì gặp ngay ông bà từ trong đi ra. Anh ta chỉ tôi mới biết và tôi liền chào giới thiệu. Ông bà thật lúng túng khi bất ngờ gặp tôi như vậy. Ông bà liền đề nghị đưa chúng tôi đến thẳng trụ sở Hội Thánh để cầu nguyện, vì họ có buổi nhóm cầu nguyện mỗi tối thứ tư, vì vậy mà tôi nhớ rõ ngày mình đến Pháp là thứ tư. Sau buổi nhóm đó, ông bà mới giải thích với tôi lý do không trả lời thư, vì sợ bị tôi nhờ vả, trong khi ông bà không có khả năng giúp đỡ, nên tránh né.

   Chúa nhật ông bà nhờ người trong Hội Thánh đến Créteil đưa chúng tôi đi nhà thờ. Vì mọi người cùng chuyến bay với tôi từ Phi-líp-pin đều tin tưởng nơi tôi, nên tôi dẫn tất thảy họ đi nhà thờ hết. Tổng cộng 21 người. Sau buổi nhóm, tất cả đều cầu nguyện tiếp nhận Chúa. Hội Thánh chưa bao giờ có số người tin Chúa đông như vậy nên mọi người rất vui.

   Hai tuần đầu sao buồn tẻ quá. Tôi nghe anh bạn đến vào tháng 8 kể là 10 giờ tối người ta chơi đá banh vẫn không cần thắp đèn, tôi nghe liền cho là nói xạo. Bây giờ đến đây, tôi càng chỉ trích anh nặng hơn, vì mặt trời tháng 11 dậy trễ và lặn sớm. Nhìn hàng cây trơ cành bên ngoài cửa sổ, tôi còn bảo sao dân Pháp kỳ vậy, cây chết thế này mà vẫn không đốn đi. Bài thơ đầu tiên tôi làm là:

“Hồi tôi tới đất nước này lạnh buốt,

Cây khô gầy đứng ngẩng lá lìa thân,

Trưa chưa qua đã thấy tối đến dần,

Đêm đằng đẵng, ôi buồn lâng tất dạ.”

   Sau đó, tôi cùng một số người được đưa về một ký túc xá ở tỉnh FONTENAY LE COMTE, vùng 85, cách Paris 500 km. Đó là lâu đài của Tướng Maréchal de Lattre de Tassigny. Ông đã chết, nhưng bà còn sống, hơn 75 tuổi nhưng vô cùng minh mẫn. Bà rất yêu thương người thuộc ba nước Đông Dương: Việt, Lào, Cam-pu-chia; nên đã mở lâu đài của bà để chứa người tị nạn đến từ ba nước này.

   Ôi, đến đây vào mùa thu thật là lãng mạn, dù có buồn, nhưng tâm hồn thi sĩ của tôi có chỗ để mơ mộng. Nhớ nhà, buồn vì xa những người mình vừa gặp ở trại tỵ nạn. Đến đây, tôi bó rọ vì không biết tiếng. Cũng may, kỹ sư Laurent trên tàu Pháp đã tặng tôi cuốn tự điển Anh-Pháp, Pháp-Anh, nên tôi dùng nó để giao tiếp.

   Tôi vẫn phải dẫn đầu nhóm người Việt tỵ nạn, trong đám mù, người chột làm vua mà! Tôi cứ mang theo cuốn tự điển đó và nói chuyện với mọi người trong văn phòng, lớp học, phòng y tế. Người Việt, đại đa số là dân đánh cá, ít học, nên tôi đành phải hướng dẫn họ, giúp họ phiên dịch với vốn liếng tiếng Pháp ít ỏi của mình.

   Cũng có rất nhiều chuyện vui trong đó. Một hôm, con của một người trong nhóm bị tiêu chảy, anh ta quýnh quá, không tìm được tôi, anh đến thẳng phòng y tế xin thuốc. Anh chỉ biết nói được vài từ như đi vào, đi ra; anh bèn ra dấu tay đưa lên miệng nói: đi vào, rồi tay kia chỉ phía sau mông bảo đi ra. Thế mà bà ta hiểu và đưa thuốc cho anh. Anh ta tự hào là nói được tiếng Pháp. Hài hước vậy đó.

   Vì buồn, tôi lang thang trong rừng; lần đầu tiên trải nghiệm được bài hát: “Em không nghe mùa thu, lá thu rơi xào xạc, con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô!…” Chính chân mình, mắt mình thấy điều đó. Thật lãng mạn làm sao.

   Rồi một nhóm khác đến, có cả người Nhật nữa. Tôi rất ngạc nhiên, sao người Nhật mà cũng tỵ nạn. Tò mò, tôi đến xem. Dù sao, tôi cũng là người có chút “máu mặt’ ở đây mà. Mới biết anh là người Nhật, nhưng nói tiếng Việt, khá đẹp trai. Nhưng trong lòng tôi vẫn mong ước gặp một con cái Chúa để lập gia đình và cùng hầu việc Chúa. Anh ấy thật sự không có trong tầm để ý của tôi, có chăng là giúp anh một vài thủ tục và thể lệ trong ký túc thôi.

   Đến khu ký túc đó vào cuối tháng 11, chỉ có một mình tôi tin Chúa, với hai người vừa mới tiếp nhận Chúa trên Hội Thánh Paris. Mỗi Chúa nhật, tôi kéo hết tất cả người Việt vào phòng học nghe tôi giảng đạo. Biết gì đâu mà giảng, tôi chỉ dựa vào cuốn sách nhỏ “Sống với Thánh Kinh” để hướng dẫn họ. Thánh ca thì có cuốn thánh ca Hội Thánh tặng cho tôi.

   Vì đã lâu năm không đi nhóm. Vừa mới được Chúa cứu lại sau 12 năm xa nhà Chúa, nhưng những bài thánh ca năm xưa còn nhớ một chút, nhưng nhạc đã bị lạc hết rồi. Nhưng tôi vẫn hăng hái hát và dạy người ta hát nữa. “Ngày vui hơn hết”, “Tin cậy vâng lời”, “Ôi Giê-su Chúa ta là bạn thật”; “Hoa huệ trong trũng.” Chỉ những bài đó thôi, chúng tôi cứ ngân nga hát. Ai ngờ anh người Nhật kia cũng biết đàn ghi-ta, nên giúp chúng tôi hát đỡ hơn.

   Trong vùng, có thầy Võ, ông là người đã đến định cư ở đây trước; và vì biết tiếng Pháp, nên thỉnh thoảng ông vào trại giúp chúng tôi làm thủ tục hành chính, như tìm khóa học nghề, xin việc…Thấy tôi có kiến thức, khác với người khác nên ông rất quý tôi.

   Các cô giáo dạy tiếng Pháp: Catherine và Hélène cũng rất tốt với tôi, đặc biệt là vị giám đốc tên La Fouge. Nói chung, tình cảnh tôi cũng khá ổn trong giai đoạn đó.

   Dù trước kia tôi chưa từng nghĩ đến việc lập gia đình, nhưng ở tuổi 30 cũng không còn trẻ nữa, biết có thể sống một mình được không. Nên tôi ao ước gặp một thanh niên ở Hội thánh trên Paris để cùng hầu việc Chúa.

   Khi còn ở trại tỵ nạn, có bao người nước ngoài, nhất là người Pháp để ý, theo đuổi tôi. Nhưng lúc ấy vì hiểu sai: tôi nghĩ tất cả bọn họ đều có cuộc sống luông tuồng, nên không dám đến gần.

   Có một anh nhà báo Việt kiều Pháp, tên Duy. Anh sang trại tỵ nạn làm báo và gặp tôi. Tôi chỉ giúp anh biết về tình trạng sống trong trại thôi, không hề nghĩ gì khác. Sau khi tôi sang Pháp, anh không hề hay biết. Mấy tháng sau anh tìm đến ký túc xá tôi ở để thăm. Bộ mặt anh thật buồn cười vì một bên râu mép không cạo. Tôi cười hỏi lý do, thì anh bảo rằng: “Nếu anh không tìm được em thì anh sẽ để râu như vậy!” Tôi vẫn không nghĩ rằng anh ấy yêu mình.

   Trong đầu tôi chỉ nghĩ đến một thanh niên Cơ-đốc nhân thôi. Còn người ngoại thì hoàn toàn không có trong suy nghĩ của mình.

   Ao ước được trở lại Paris để thờ phượng Chúa, được thành hiện thực, khi thầy Võ đi Paris vào Noel năm đó. Thế là tôi lại được đến Hội Thánh, lần này là cố ý tìm một thanh niên nào đó, xem có thể làm bạn được không.

   Nhưng buồn thay, họ xem tôi như một tên Việt Cộng, hoặc một con khỉ vừa ra khỏi rừng vậy. Sự khinh bỉ, sự xem thường tỏ rõ trên mặt và cách cư xử của tín đồ, ngoại trừ ông bà Mục sư Tốt. Tôi về lại ký túc xá mà lòng buồn rười rượi.

(ĐÓN XEM PHẦN 5)

 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan