Ba Chiều Kích Của Sự Ngợi Khen – P.35

Share

35. Thánh Nhân Phải Đi Một Mình

Hầu hết những linh hồn vĩ đại của thế giới đều cô đơn. Sự cô đơn dường như là một cái giá mà các thánh nhân phải trả cho sự thánh thiện của mình.

Vào buổi bình minh của thế giới (hay chúng ta nên nói là trong bóng đêm kỳ lạ đó xuất hiện ánh bình minh của sự tạo dựng con người), Hê-nóc, linh hồn trung kiên đó, đồng đi cùng Ðức Chúa Trời và biến mất, vì Ðức Chúa Trời đã cất người lên; việc này không được đề cập đến nhiều, ta có thể suy luận một cách hợp lý là Hê-nóc đã đi trên một con đường hoàn toàn khác với con đường của những người cùng thời.

Một con người cô đơn khác là Nô-ê, so với tất cả mọi người khác trong thời kỳ trước cơn Ðại Hồng Thủy, người đã tìm thấy ân điển trong tầm nhìn của Ðức Chúa Trời; và những bằng chứng nhỏ bé cũng đủ chỉ ra sự cô độc của ông ngay cả khi ông được nhiều người khác vây quanh.

Áp-ra-ham đã có Sa-ra và Lót cũng như những đầy tớ và những người chăn bầy khác, nhưng ai có thể đọc câu chuyện của ông và lời dẫn giải của các sứ đồ mà lại không cảm nhận được ngay tức thì việc ông là một người “có linh hồn giống một ngôi sao cô đơn và đứng riêng biệt”? Ðến mức là chúng ta không thấy Ðức Chúa Trời phán một lời nào về ông trong mối quan hệ bạn bè của mình. Cúi mặt xuống, ông gần gũi với Chúa, và chân giá trị bẩm sinh của ông đã ngăn cấm việc ông mang lấy dáng điệu này trước sự hiện diện của những người khác. Thật ngọt ngào và uy nghi làm sao cái khung cảnh vào đêm tế lễ khi ông thấy những đóm lửa di chuyển giữa các phần của sinh tế. Tại đó, một mình với nỗi lo sợ của bóng tối bao trùm trên mình, ông nghe tiếng Chúa phán và biết rằng ông là một người được chọn cho đặc ân thánh.

Môi-se cũng là một người cách biệt. Khi đến cung điện của Pha-ra-ôn, ông đi bộ một mình, và trong một trong số những chuyến đi bộ đó, ông thấy một người Ai Cập và một người Hê-bơ-rơ đang đánh nhau, ông liền đến giải cứu người đồng hương. Sau hậu quả đổ vỡ với Ai Cập lần đó, hầu như ông hoàn toàn sống một mình trong đồng vắng. Tại đó, ông chỉ chăm nom đàn chiên của mình, điều kỳ lạ của bụi gai cháy đã xuất hiện ra trước mắt ông, và sau đó trên đỉnh núi Si-nai, ông ẩn nấp một mình để được ngắm xem vinh quang đầy sức lôi cuốn của Sự Hiện Diện Thánh, một phần được che giấu, một phần được phát lộ trong đám mây và lửa.

Những tiên tri của thời đại tiền Cơ Ðốc rất khác nhau, nhưng họ có một điểm chung, sự cô độc đầy sức mạnh. Họ đã yêu thương dân tộc của mình và tôn vinh tôn giáo của các bậc cha ông, nhưng lòng trung thành của họ đối với Ðức Chúa Trời của Áp-ra-ham, của Y-sác, của Gia-cốp, và lòng nhiệt huyết của họ vì phúc lợi cho cả quốc gia Y-sơ-ra-ên đã kéo họ khỏi đám đông và bước vào những khoảng thời gian dài của gánh nặng. “Tôi đã trở nên một kẻ lạ cho anh em tôi, một người ngoại bang cho các con trai mẹ tôi” (Thi thiên 69:8), một tác giả Thi thiên đã thốt lên như thế và vô tình đã nói thay cho những người còn lại.

Phần lớn sự khải thị cho hết thảy các tiên tri là cái nhìn nơi Ðấng mà Môi-se và các bậc tiên tri khác đã viết, một mình bước đi trên con đường đến chỗ thập giá. Sự cô đơn sâu thẳm của Ngài không hề giảm bớt bởi sự hiện diện của đám đông vây quanh.

Khuya nay trên đỉnh núi Ô-li-ve
Sao thưa lu li cảnh trông đê mê
Giữa lâm viên thâm u đêm hiu quạnh
Jêsus đau thương cầu nguyện một mình
Khuya nay Jêsus lánh xa nhân gian
Cô đơn giao tranh với bao nguy nan
Chính môn sinh thân yêu nay vô tình
Nào hay tâm thương, lụy sầu Thầy mình.

– William B. Tappan (Thánh Ca 89)

Ngài chết một mình trong bóng tối, được che giấu khỏi cái nhìn của con người hay chết và không ai thấy Ngài sống lại vinh quang và bước ra khỏi mồ mả, dầu rằng có nhiều người sau đó thấy Ngài và làm chứng lại điều mà họ đã thấy. Có những thứ hết sức thiêng liêng cho bất kỳ con mắt nào nhìn vào, ngoại trừ của Ðức Chúa Trời. Sự tò mò, tiếng la hét ầm ĩ, một nỗ lực có ý tốt nhưng ngớ ngẩn để giúp ích chỉ thêm gây trở ngại cho linh hồn đang chờ đợi và tạo nên một điều không bình thường, nếu không phải là không thể: Một sự giao tiếp giữa sứ điệp bí mật của Ðức Chúa Trời với tấm lòng thờ phượng.

Ðôi lúc chúng ta phản ứng theo một loại phản ứng tôn giáo nào đó, nghiêm túc lập lại những từ và câu chữ nào đó ngay cả khi chúng không thể diễn tả những cảm xúc thật của chúng ta và sự thiếu tính xác thực của kinh nghiệm cá nhân. Bây giờ là thời điểm như vậy đấy. Một lòng trung kiên theo quy ước nào đó có thể đưa một số người nghe lẽ thật khác lạ này đến chỗ thốt lên, “Ồ, tôi có bao giờ cô đơn đâu. Chúa phán, ‘Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi,’ rồi thì, ‘Ta hằng ở cùng các ngươi luôn.’ Làm sao tôi có thể cô đơn được khi Ðức Chúa Jêsus ở với tôi?”

Bây giờ tôi không muốn chỉ trích sự thật thà của bất kỳ linh hồn Cơ Ðốc nào, nhưng lời chứng có sẵn này lại quá đơn giản để có thể cho là thật. Thật rõ ràng đó là điều mà người nói nghĩ là phải đúng hơn là điều mà anh ta đã chứng minh là thật bởi sự kiểm tra của kinh nghiệm. Phủ nhận cách vui vẻ sự cô đơn chỉ chứng tỏ rằng người nói chưa bao giờ đi với Chúa mà không có sự giúp đỡ hay khích lệ của xã hội anh đang sống. Cảm giác của tình bạn, cái mà anh ta lầm tưởng là sự hiện diện của Ðấng Christ, có thể và có lẽ thực sự đến từ sự hiện diện của những người khác. Xin hãy luôn nhớ rằng bạn không thể cùng mang vác thập giá với những người khác. Dầu một người được vây quanh bởi một đám đông khổng lồ đi nữa, thập giá của anh ta vẫn là của riêng anh và sự mang vác nó khiến anh trở thành một con người tách biệt. Xã hội đã quay sang chống lại anh; mà nếu ngược lại thì anh ta chẳng có mang vác thập giá gì hết. Không ai là bạn của một người vác thập giá. “Mọi người đều bỏ Ngài và trốn đi cả.”

Nỗi đau của sự cô đơn xuất phát từ tính khí của chúng ta. Ðức Chúa Trời đã tạo dựng chúng ta cho nhau. Khao khát tình người là hoàn toàn tự nhiên và đúng đắn. Sự cô đơn của Cơ Ðốc nhân là kết quả việc anh ta đồng đi với Ðức Chúa Trời trong một thế giới không tin kính, một chuyến đi thường đưa anh xa khỏi sự thông công với những Cơ Ðốc nhân tốt cũng như khỏi thế gian chưa tái sanh. Những bản năng Chúa ban cho anh kêu gào tìm kiếm tình bạn với những người đồng loại của mình, những người có thể hiểu nỗi khao khát của anh, những nguyện vọng của anh, sự say mê của anh nơi tình yêu thương của Ðấng Christ; và vì trong vòng bạn bè có ít người chia sẻ những kinh nghiệm bên trong của mình, anh buộc phải bước đi một mình. Những khao khát chưa được thỏa mãn của các nhà tiên tri nơi sự thấu hiểu của con người khiến họ thốt lên những lời than thở và ngay cả Chúa chúng ta cũng phải chịu đựng cùng một cách đó.

Một người đã vượt qua và bước vào Sự Hiện Diện Thánh trong kinh nghiệm bên trong thật sự sẽ không tìm thấy nhiều người hiểu mình. Một số loại hình thông công xã hội nào đó dĩ nhiên sẽ xuất hiện khi anh ta lẫn vào giữa vòng những con người tôn giáo trong hoạt động thường lệ của Hội Thánh, nhưng mối thông công thuộc linh thật sự sẽ khó mà tìm được. Tuy nhiên anh không nên nghĩ mọi thứ theo hướng trái ngược. Sau hết, anh là một người lạ và là một kẻ hành hương; cuộc hành trình anh đang đi không phải trên đôi bàn chân mà là trong tấm lòng. Anh đồng đi với Ðức Chúa Trời trong khu vườn của chính linh hồn mình – và có ai ngoại trừ Ðức Chúa Trời có thể bước đi với anh ở đó? Anh thuộc về một tâm linh khác tách khỏi đám đông đang bước đến chỗ tòa án của nhà Ðức Chúa Trời. Anh đã thấy điều mà họ chỉ được nghe, và anh bước giữa vòng họ bằng cách nào đó giống như Xa-cha-ri rời khỏi bàn thờ và ra ngoài, lúc đó mọi người thì thầm, “Ông đã thấy một khải tượng.”

Con người thuộc linh thật thực sự là một cái gì đó thuộc về sự khác thường. Anh ta sống không phải cho chính mình, nhưng để khuyên giục sự chú ý đến một Ðấng Khác. Anh tìm cách thuyết phục mọi người trao phó mọi sự cho Chúa của mình và không đòi hỏi một phần chia nào cho chính mình. Anh vui thích không phải khi mình được tôn trọng, nhưng khi thấy Cứu Chúa của mình được vinh hiển trong con mắt của loài người. Niềm vui của anh là được thấy Chúa của mình được tôn cao và chính bản thân anh ta bị hạ xuống. Anh tìm thấy một số ít người quan tâm và nói với họ về mục đích tối thượng của sự quan tâm của anh, vì thế anh thường im lặng và lo lắng giữa những cuộc nói chuyện tôn giáo ồn ào. Vì điều này, anh nổi tiếng là ngu đần và quá nghiêm túc, vì thế anh bị xa lánh và vực sâu giữa anh và xã hội ngày càng rộng ra. Anh tìm kiếm những người bạn mà từ áo xống anh có thể ngửi được mùi một dược, trầm hương, nhục quế bên ngoài những cung điện bằng ngà, và chỉ tìm được một ít người, hoặc không có một người nào, anh ta, giống như Ma-ri, mẹ Chúa Jêsus của thời xưa, gìn giữ những thứ đó trong lòng mình.

Chính sự rất cô đơn này đã kéo anh trở lại với Ðức Chúa Trời. “Khi cha mẹ bỏ tôi đi, thì Ðức Giê-hô-va sẽ tiếp nhận tôi” (Thi thiên 27:10). Sự bất khả của anh trong việc tìm kiếm sự thông công với con người đã lôi kéo anh đến chỗ tìm kiếm trong Ðức Chúa Trời những điều mà anh không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Anh học biết trong sự cô đơn bên trong những gì anh không thể học được nơi đám đông – tức là Ðấng Christ là Mọi sự trong Mọi sự, rằng chính Ngài làm nên sự khôn ngoan, sự công chính, sự thánh khiết và sự cứu chuộc trong chúng ta, rằng trong Ngài chúng ta có và sở hữu sự sung mãn của sự sống đắc thắng.

Còn hai điều để nói đến. Thứ nhất, con người cô đơn chúng ta nói đến không phải là một con người kiêu căng, cũng không phải là người-thánh-khiết-hơn-bạn, một thánh nhân khổ hạnh bị chế nhạo cách cay đắng trong văn chương phổ thông. Anh có khuynh hướng cảm thấy rằng mình là bậc thấp kém nhất so với tất cả mọi người khác và chắc chắn là tự khiển trách vì sự cô độc của mình. Anh muốn chia sẻ những cảm xúc của mình với người khác và mở lòng mình ra với những linh hồn có cùng một tâm trí giống như mình, người sẽ hiểu anh ta, nhưng hoàn cảnh thuộc linh quanh anh không khích lệ anh làm điều đó, vì thế anh vẫn im lặng và chỉ nói những nỗi thống khổ của mình với Chúa mà thôi.

Ðiều thứ hai, vị thánh cô đơn không phải là một con người lãnh đạm, làm cứng lòng mình, chống lại những đau khổ của con người và sống những ngày của mình trầm ngâm suy tưởng về các tầng trời. Sự thật hoàn toàn ngược lại. Sự cô đơn của anh khiến anh thông cảm với sự kêu cứu của một tấm lòng tan vỡ, sa ngã và thâm tím vì tội lỗi. Vì anh tách biệt khỏi thế gian, anh là người có nhiều khả năng giúp đỡ nó hơn. Meister Eckhart dạy những học trò của mình rằng nếu trong sự cầu nguyện của họ mà họ cảm thấy như được đưa lên đến tầng trời thứ ba và tình cờ nhớ lại một góa phụ nghèo cần thức ăn, thì họ nên ngắt ngang lời cầu nguyện ngay lập tức và đi đến chăm sóc góa phụ đó. “Ðức Chúa Trời sẽ không để các bạn mất bất cứ gì vì điều đó,” ông nói, “Bạn có thể tiếp tục cầu nguyện trong chỗ mà bạn đã dừng lại và Ðức Chúa Trời sẽ tiếp tục vận hành tùy theo bạn.” Ðây là một kiểu mẫu của những người thần bí và giáo sư vĩ đại của đời sống thuộc linh từ thời Phao-lô cho đến ngày nay.

Sự yếu đuối của quá nhiều Cơ Ðốc nhân ngày nay là ở chỗ họ cảm thấy quá quen thuộc như ở nhà ngay trong thế gian này. Trong nỗ lực của họ để đạt được sự “hòa giải” yên tĩnh với xã hội không tái sanh, họ đã đánh mất đặc tính người khách lữ hành của mình và trở nên một phần cần thiết của cái trật tự đạo đức mà họ vốn đã được sai đi để chống lại. Thế gian nhìn nhận và chấp nhận họ như là cái mà họ biểu hiện như vậy. Và đây là điều đáng buồn nhất có thể nói về họ: Họ không cô đơn, nhưng họ cũng không phải là những thánh nhân!

 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan